Vietstock - Dầu WTI có tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2018
Trong tháng 5, giá dầu WTI sụt 2.2%, còn giá dầu Brent vọt 3.2%
Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Năm (31/05), trong đó các hợp đồng dầu WTI giảm mạnh do chịu sức ép từ sự gia tăng bất ngờ của dự trữ xăng tại Mỹ, sản lượng dầu thô nội địa tăng trưởng liên tục và sự không chắc chắn về kế hoạch sản lượng của OPEC, MarketWatch đưa tin.
Dầu đã tìm thấy một số hỗ trợ vào đầu phiên khi nguồn cung dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trong tuần.
Trong khi đó, giá khí thiên nhiên nhảy vọt sau khi báo cáo cho biết dự trữ hàng hóa này tăng thấp hơn dự báo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex lùi 1.17 USD (tương đương 1.7%) xuống 67.04 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức giảm trong tháng lên 2.2%, dữ liệu từ WSJ Market Group cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn nhích 9 xu (tương đương 0.1%) lên 77.59 USD/thùng. Trong tháng 5, hợp đồng này đã vọt 3.2%. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 tiến 16 xu (tương đương 0.2%) lên 77.56 USD/thùng.
Vào ngày thứ Năm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 4.2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/05/2018, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 600,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, nhận định: “Sự nhảy vọt gấp 3 lần trong các hoạt động lọc dầu, kim ngạch nhập khẩu giảm đáng kể cùng với gia tăng xuất khẩu đã dẫn đến đà sụt giảm của dự trữ dầu thô”.
Trong khi đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng tăng 500,000 thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất cộng 600,000 thùng. Cả 2 đều trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1.5 triệu thùng xăng và gần 1.1 triệu thùng sản phẩm chưng cất từ một cuộc thăm dò của Platts.
Ngoài ra, báo cáo từ EIA còn cho thấy sản lượng dầu thô tại Mỹ vọt 2.1% lên 10.474 triệu thùng/ngày trong tháng 3, leo dốc 14.6% so với cùng kỳ năm trước.
Dầu WTI đã ghi nhận phiên tăng giá đầu tiên trong 6 phiên vào ngày thứ Tư (30/05), sau khi các báo cáo cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng ít nhất cho đến cuối năm nay.
Nhà đầu tư đang tập trung chú ý đến các báo cáo liên quan đến dự định của OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC, đặc biệt là Nga, vốn được cho là đang cân nhắc gia tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng từ Venezuela và Iran.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 1.1% xuống 2.160 USD/gallon, nhưng vẫn tăng 1.5% trong tháng qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 1.8% còn 2.191 USD/gallon, dẫu vậy vẫn tăng 1.1% trong tháng 5. Các hợp đồng giao tháng 6 đều hết hạn khi khép phiên ngày thứ Năm.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 cộng 2.3% lên 2.952 USD/MMBtu, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31/01/2018. Trong tháng qua, hợp đồng này đã leo dốc 6.8%
Giá khí thiên nhiên khởi sắc sau khi EIA cho biết nguồn cung hàng hóa này tăng 96 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 25/05/2018, thấp hơn dự báo vọt 100 tỷ feet khối từ thị trường.
An Trần