Vietstock - GS Trần Văn Thọ: Doanh nghiệp mới vừa 'lớn' đã bán vội
GS Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướngcho rằng cần nghiên cứu hiện tượng nhiều doanh nghiệp vừa lớn, mới vươn lên đã bán cho nước ngoài.
Đầu tháng 3-2018, NawaPlastic Industry (Saraburi) - công ty nhựa của Thái Lan - đã mua thành công 29,51% vốn điều lệ Công ty CP nhựa Bình Minh - Ảnh: THUẬN THẮNG
|
Gần 10 năm với vai trò ủy viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của các đời thủ tướng Nhật Bản, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Thọ cho rằng vấn đề ông quan tâm ở Việt Nam hiện tại, trong đó có hàm ý sâu hơn về tầm quan trọng của việc phát triển tinh thần dân tộc ở doanh nhân, từ đó tăng tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
* Trong bài báo mới đây, ông có lưu ý đến yếu tố nước ngoài khi Việt Nam mở cửa hội nhập và cổ phần hóa. Vì sao vậy, thưa ông?
- Hội nhập là đương nhiên, nhưng cần theo lộ trình phù hợp chứ không phải hội nhập là mở toang cửa trong khi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Hiện Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Khối này đang nắm 50% sản lượng công nghiệp, 70% xuất khẩu. Nếu cổ phần hóa không tính tới yếu tố nước ngoài, kinh tế có thể phụ thuộc nước ngoài nhiều hơn nữa.
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, nhưng việc thực thi cần cân nhắc đến yếu tố nước ngoài, có lúc cũng phải đi chậm lại hoặc là nâng đỡ để doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia.
Dĩ nhiên để nước ngoài tham gia một tỉ lệ nhất định sẽ giúp doanh nghiệp được cổ phần hóa tiếp thu nguồn lực kinh doanh tiên tiến, tăng sức cạnh tranh.
Nhưng nếu không có bước đi thích hợp, không có các công cụ chính sách khôn ngoan, kết cục doanh nghiệp nước ngoài có thể chi phối kinh tế hơn nữa. Cần tận dụng ngoại lực để phát triển nhưng đồng thời phải xây dựng, phát triển nền kinh tế tự chủ.
* Ông cũng đề nghị cần có cơ chế khuyến khích cho tư nhân trong nước mua cổ phần những doanh nghiệp nhà nước?
- Làm như vậy để cổ phần vẫn chủ yếu thuộc về doanh nghiệp trong nước. Những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, nên cổ phần hóa để tư nhân tham gia. Dĩ nhiên nói như vậy là về nguyên tắc.
Vẫn có ngoại lệ, doanh nghiệp nước ngoài có thể giữ cổ phần chi phối. Nhưng nước ta gần 100 triệu dân mà phải phụ thuộc vào nước ngoài để phát triển thì có thể không ổn định, lòng tự tôn dân tộc, tự hào quốc gia bị ảnh hưởng.
* Ông đánh giá như thế nào về tính tự tôn dân tộc của doanh nhân Việt Nam?
- Việc đánh giá này không dễ. Nhưng qua những gì phản ánh trên báo chí, tôi thấy có lẽ tinh thần dân tộc ở ta yếu hơn những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Những công ty của Nhật Bản như Toyota, Canon... đều xuất phát từ tinh thần dân tộc rất cao.
Sau nhiều chục năm họ giàu có nhờ nỗ lực bản thân và nhờ đem lại lợi ích cho xã hội. Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony, đã nói trong bài diễn văn ngày thành lập công ty (năm 1946) như sau: "Phải đem công nghệ đóng góp vào sự phục hưng của tổ quốc chúng ta". Giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, câu nói đó trở thành tiêu biểu của tinh thần yêu nước.
Còn ở nước ta, tôi thấy dường như nhiều doanh nhân không xuất phát từ lòng yêu nước, mới giàu lên họ đã tiêu xài phung phí. Có những công ty nuôi dưỡng thành thương hiệu nhưng lại bán đi cho người nước ngoài lấy một số tiền lớn để bắt đầu cuộc sống sung túc mà không phải tiếp tục nỗ lực, kể cả việc cùng gia đình đi định cư nước ngoài...
Tuy nhiên bên cạnh những trường hợp như vậy, cũng có nhiều doanh nhân có tinh thần trách nhiệm đối với tiền đồ đất nước. Nhưng số đó xem ra còn ít.
Kinh Đô bán cổ phần cho Mondelez International (NASDAQ - MDLZ) - công ty bánh kẹo của Singapore. Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của DN trong nước mang tên Kinh Đô đã chính thức chuyển thành DN 100% vốn ngoại - Ảnh: XUÂN AN
|
* Phải bán đi một thương hiệu có nhiều nguyên nhân. Có thể doanh nghiệp nhận thấy nếu mở rộng quy mô họ chưa tự tin hoặc chưa nhìn thấy chính sách hỗ trợ để tiếp tục phát triển?
- Đúng! Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng để họ yên tâm đầu tư, phát triển và cũng phải tạo điều kiện để họ nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Khi doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai, họ sẽ nuôi dưỡng, phát huy tinh thần dân tộc.
Doanh nhân phải có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển; ý chí vươn lên cạnh tranh, chiếm lĩnh mới bền bỉ. Khi ấy, tôi tin chẳng những họ tiếp tục giữ thương hiệu mà còn có thể thâu tóm thương hiệu nước ngoài để làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
* Hiện trong nước có những tập đoàn tư nhân lớn, đang phát triển tốt như Vingroup, Vietjet Air, Thaco, Hòa Phát... Họ đang mở rộng kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá về họ như thế nào?
- Họ là những doanh nghiệp đã bứt phá lên hẳn một tầm cao khác so với đại đa số doanh nghiệp tư nhân còn lại. Vì họ là doanh nghiệp tư nhân, tiền là của họ nên nếu họ kinh doanh đa ngành, mở rộng sang nhiều lĩnh vực thì chuyện rủi ro là họ đã tính toán cả rồi. Nói chung doanh nghiệp tư nhân mở rộng phạm vi thì họ chịu trách nhiệm, chứ họ không đẩy rủi ro cho Nhà nước, cho dân.
Những doanh nghiệp như Vingroup dũng cảm sản xuất xe hơi, chúng ta nên hoan nghênh, khuyến khích họ. Nhà nước cũng phải ủng hộ để họ thành công. Vì sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp này sẽ góp phần quan trọng làm tăng sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
QUANG NGỌC - ANH ĐỨC