Investing.com – Dưới đây là những điểm nổi bật trên thị trường tài chính hôm nay, thứ Tư ngày 14/08:
1. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đè nặng lên tâm lý thị trường
Dữ liệu kinh tế đáng lo ngại từ Trung Quốc và Đức đã làm tăng thêm nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường vào thứ Tư.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm vào tháng 7, một dấu hiệu khác cho thấy xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang làm biến động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Căng thẳng thương mại cũng kéo theo niềm tin của người tiêu dùng và kinh doanh trong nước giảm với doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến trong khi tăng trưởng đầu tư tài sản cố định thấp hơn dự báo đánh dấu sự sụt giảm rõ rệt của nền kinh tế.
Các dữ liệu từ Đức không giảm bớt sự ảm đạm trên thị trường khi xuất khẩu sụt giảm khiến nền kinh tế của nước này đảo chiều trong quý 2. Tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,1% trong quý khiến một số nhà phân tích suy đoán rằng nền kinh tế số một của khu vực đồng Euro có thể bước vào suy thoái trong quý 3 do những xung đột thuế quan và sự bất ổn về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu tác động lên ngành sản xuất của Đức.
2. Từ diễn biến tích cực của chiến tranh thương mại đến những lo ngại về kinh tế, đều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu biến động trong phiên giao dịch hôm nay, sau thông báo của Washington trước đó một ngày rằng họ sẽ hoãn áp thuế đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12.
Thông tin hỗ trợ trên đã khiến phố Wall tăng mạnh trước khi đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Ba, nhanh chóng lan sang các thị trường châu Á. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông là ngoại lệ khi các nhà đầu tư chờ đợi diễn biến xa hơn hơn giữa Trung Quốc và những người biểu tình.
Nhưng sự háo hức “xuống tiền” của các nhà đầu tư nhạt dần sau khi thị trường châu Âu giảm xuống và thị trường tương lai của Hoa Kỳ có khả năng mở cửa phiên hôm nay thấp hơn do các dấu hiệu suy yếu kinh tế toàn cầu làm suy giảm “tinh thần động vật” của các nhà đầu tư và thị trường bắt đầu nhìn nhận thực tế rằng quyết định hoãn thuế của Hoa Kỳ không đẩy hai nước tiến gần đến một giải pháp cho chiến tranh thương mại.
3. Lợi suất kỳ phiếu 2 năm và 10 năm của Hoa Kỳ được chú ý trong bối cảnh lãi suất giảm
Thị trường trái phiếu toàn cầu tăng trở lại khi lợi suất giảm mạnh sau khi tạm dừng một ngày trước đó.
Các thị trường đang theo dõi chặt chẽ lợi suất của trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ 2 và 10 năm khi chênh lệch lợi suất dao động xung quanh chỉ 1 điểm cơ bản. Nếu lợi suất 10 năm vượt qua mức lợi suất kỳ hạn 2 năm, khiến đường cong lợi suất đảo ngược mà các nhà kinh tế cảnh báo có thể là dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Động thái tìm kênh trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư và chính sách nới lỏng của Ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã khiến lãi suất trái phiếu ngày càng giảm. Lợi suất trái phiếu của Đức, được coi là điểm chuẩn trú ẩn an toàn của Châu Âu, đã giảm chạm mức kỷ lục mới, mức dưới 0.
4. Cisco công bố báo cáo thu nhập
Cisco (NASDAQ: CSCO) sẽ được chú ý khi công bố báo cáo thu nhập sau khi thị trường đóng cửa. Mùa báo cáo quý hai đã gần như kết thúc, chỉ còn chưa đến 50 công ty thuộc S&P chưa công bố báo cáo.
Cisco sẽ công bố báo cáo thu nhập trong bối cảnh lo ngại rằng việc giảm chi tiêu cho thiết bị mạng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Việc giảm chi tiêu cho thiết bị mạng đã được chú ý vào tuần trước khi NetApp (NASDAQ: NTAP) cảnh báo doanh thu hàng quý của họ sẽ không đạt mức ước tính, với lý do là sự bất ổn toàn cầu.
5. Dầu giảm giá khi sản lượng dự trữ tăng ngoài kì vọng
Giá dầu giảm trong bối cảnh các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu và sự gia tăng bất ngờ sản lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ.
Báo cáo hàng tuần của Viện Dầu khí Hoa Kỳ công bố vào cuối ngày thứ Ba cho thấy lượng dầu thô trong kho dự trữ bất ngờ tăng 3,7 triệu thùng.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ sẽ công bố dữ liệu chính thức vào lúc 10:30 AM ET (14:30 GMT). Thị trường dự báo sản lượng dự trữ sẽ giảm 2,78 triệu thùng.
- Tổng hợp từ Reuters.