Vietstock - Ủy ban Kinh tế: Bội chi năm 2020 có thể tới 5% GDP
Bội chi năm nay có thể chiếm 5-5,1% GDP, cao hơn nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao (3,44% GDP) do ngân sách hụt thu nhưng phải tăng chi vì dịch bệnh.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của Covid-19, Ủy ban Kinh tế đề cập tới khả năng nới trần bội chi ngân sách 2020 nếu cần thiết. Tỷ lệ bội chi năm nay được Quốc hội dự toán ban đầu là 3,44% GDP.
Theo Ủy ban Kinh tế, dự toán thu - chi ngân sách năm nay trở nên khó khăn, khi tăng trưởng GDP khả năng thấp hơn mục tiêu 6,8%, giá dầu thô giảm sâu, tiến độ cổ phần hóa chậm và nhất là sự đóng góp từ khu vực doanh nghiệp giảm sút đáng kể.
Dự kiến thu ngân sách năm nay sẽ giảm 140.000 - 150.000 tỷ đồng với kịch bản GDP tăng 5,3% và giá dầu bình quân cả năm 30-35 USD một thùng. Trường hợp dịch kéo dài hơn, tăng trưởng GDP thấp hơn thì số hụt thu ngân sách sẽ lớn hơn nhiều.
Thu ngân sách căng thẳng, nhưng chi ngân sách lại chịu nhiều áp lực phải tăng thêm để chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Ủy ban Kinh tế dự báo, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP năm 2020 sẽ tăng 1,5-1,6 điểm %, tức ở mức 5-5,1% GDP - cao hơn chỉ tiêu 3,44% GDP Quốc hội giao.
Do đó, trường hợp cần thiết Chính phủ phải đề nghị Quốc hội cho phép tăng bội chi so với chỉ tiêu 3,44% GDP. Cùng đó, Chính phủ cần đàm phán, tiếp cận một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế để góp phần giảm áp lực vay trong nước.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ảnh: Giang Huy.
|
Cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, khủng hoảng dịch kéo dài thì cần phân bổ, sử dụng các nguồn lực này hợp lý. "Cần cân đối lại các khoản chi ngân sách theo nguyên tắc giảm thu phải giảm chi tương ứng", Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.
Về tăng trưởng kinh tế, hiện có nhiều kịch bản dự báo của các tổ chức quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 2,7%, ADB là 4,9%... Hiện Chính phủ chưa đưa ra kịch bản cụ thể nào với tăng trưởng kinh tế và cũng chưa báo cáo trình Quốc hội việc thay đổi các chỉ tiêu tăng trưởng năm nay do ảnh hưởng Covid-19 hay không. Nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù ở kịch bản nào thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm nay cũng khó đạt được.
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng
Covid-19 tác động tới mọi mặt kinh tế, xã hội khiến Chính phủ phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ quy mô lớn, khoảng 600.000 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tài khóa từ ngân sách khoảng 256.600 tỷ đồng (tương đương 4% GDP); Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 16.200 tỷ; các tổ chức tín dụng 300.000 tỷ; và một số hỗ trợ từ các doanh nghiệp viễn thông 15.000 tỷ đồng; giảm tiền điện vì Covid-19 là 11.000 tỷ đồng...
Cho rằng các chính sách đang được tích cực triển khai giúp doanh nghiệp, người dân từng bước vượt qua khó khăn vì đại dịch, nhưng cơ quan của Quốc hội cho rằng quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm. Tỷ lệ dư nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ dự kiến ảnh hưởng của Covid-19.
Nguyên nhân là việc thực hiện dựa chủ yếu vào thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể để nhất quán trong thực hiện.
Báo cáo cũng nêu rõ, nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các yêu cầu về tài sản bảo đảm, chứng minh thiệt hại do Covid-19, dòng tiền trả nợ... Do vậy, hiệu quả của chính sách này chưa đạt như mong muốn.
Thực tế này thể hiện qua doanh số cho vay theo các chương trình ưu đãi hơn 165.000 tỷ đồng, nhưng đến 10/4, dư nợ vay giảm 0,53% so với cùng kỳ tháng 3. Trong 354.286 khách hàng thuộc đối tượng vay tín dụng ưu đãi thì con số vay được chỉ hơn 22%.
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết 42, cơ quan của Quốc hội cho rằng, cơ quan quản lý chưa nắm đầy đủ, chính xác các đối tượng thụ hưởng nên mất nhiều thời gian để xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, rà soát, xác minh. Điều này dẫn đến độ trễ trong thực hiện chính sách, nhất là với nhóm lao động tự do.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chủ yếu là giao dịch tiền mặt, nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ có thể có rủi ro trục lợi chính sách, tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện. "Gói hỗ trợ này chỉ được tính trong 3 tháng, từ 1/4, nên cần có phương án dự phòng nếu trường hợp dịch bệnh kéo dài, người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn", Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Riêng với chính sách hỗ trợ tài khóa thông qua giãn, miễn, giảm thuế, phí, theo Ủy ban Kinh tế, các biện pháp giảm thuế thu nhập không có tác dụng lớn trong ngắn hạn khi mà hầu hết doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ trong thời gian dịch bệnh. Biện pháp này sẽ có ý nghĩa trong dài hạn, khi các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi dần hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ quan này gợi ý xem xét một số biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp có nguồn vốn cần thiết vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hoài Thu