Vietstock - Vụ Vạn Thịnh Phát: Lỗ hổng trong kiểm toán ngân hàng SCB
Theo HĐXX, trong vụ án này, SCB thuê các công ty kiểm toán lớn nhưng kết quả không cho thấy điểm bất thường nào.
Ngày 11/4, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Chu Lập Cơ lĩnh 8 năm tù; bị cáo Trương Huệ Vân 17 năm tù. Các bị cáo khác trong vụ án cũng phải lĩnh mức án tương xứng đối với hành vi phạm tội của mình.
Kiến nghị làm rõ vai trò các đơn vị kiểm toán liên quan SCB
Ngoài các mức án đã tuyên, thông qua việc xét xử vụ án này và một số vụ án gần đây, HĐXX nhận thấy có tình trạng lợi dụng chính sách pháp luật thông thoáng trong việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi như: lập công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, trốn thuế, thuê người đứng tên, chồng chéo thành viên góp vốn…
Các hành vi này gây khó khăn cho cơ quan chức năng, khiến khó phát hiện sai phạm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Huế EX |
Chính việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng là một trong những thủ đoạn các bị cáo để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý doanh nghiệp, kiểm tra đầu vào và hậu kiểm, tránh thành lập doanh nghiệp để thực hiện mục đích trái pháp luật.
HĐXX cũng nhận thấy, quá trình xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB và tại Ngân hàng Đông Á, nhiều lỗ hổng trong công tác kiểm toán đã bộc lộ. Theo đó, các ngân hàng hàng năm báo cáo không có bất thường nhưng khi có vụ án xảy ra lại phát hiện âm vốn chủ sở hữu. Như trong vụ án này, SCB thuê các công ty kiểm toán lớn nhưng kết quả không cho thấy điểm bất thường nào.
Vì vậy, HĐXX kiến nghị nâng cao vai trò quản lý trong công tác kiểm toán Nhà nước, kiểm toán tại các ngân hàng, đảm bảo minh bạch tài chính.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Anh Tú |
HĐXX đề nghị Cục C03 (Bộ Công an) và VKSND Tối cao trong quá trình giải quyết vụ án giai đoạn 2 làm rõ vai trò các công ty kiểm toán tại SCB, đơn vị kiểm toán liên quan, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định.
Tiếp tục xác minh nhiều tài sản khác
Qua quá trình giải quyết vụ án, HĐXX cho biết đã thu thập sổ tay ghi chép của các trợ lý bà Trương Mỹ Lan, cho thấy số tiền 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD chở về tòa nhà Vạn Thịnh Phát không chỉ từ SCB mà còn nguồn gốc trái phiếu.
Vì vậy, HĐXX đề nghị Cục C03 và VKSND Tối cao, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, tiếp tục làm rõ sai phạm quanh số tiền này để làm căn cứ giải quyết ở giai đoạn 2.
Cũng theo HĐXX, việc bị cáo Trương Mỹ Lan lấy tiền từ SCB đầu tư, chuyển nhượng nhiều dự án đang bị kê biên, không có hồ sơ pháp lý rõ ràng. Do đó, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ số bất động sản, dự án liên quan tới bị cáo chưa được giải quyết trong vụ án này để xác định đúng bản chất, giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc kê biên khắc phục thiệt hại.
Đồng thời, HĐXX cũng đề nghị Cục C03 và VKSND Tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh, làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo đang bị truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan. Việc này là để có căn cứ xem xét, giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Đối với đề nghị của Công ty Quốc Cường Gia Lai (HM:QCG) về việc gỡ bỏ kê biên 6 dự án liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX yêu cầu công ty này nộp lại hơn 2.882 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Lan.
Thanh Phương