Vietstock - 'Vốn trong dân còn rất lớn mà chúng ta chưa phát huy được'
Huy động nguồn lực trong dân còn nhiều để phát triển kinh tế - xã hội là khía cạnh được nhiều ý kiến nêu ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025, chiều 12.10.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trình bày báo cáo tại phiên họp. Gia Hân |
Cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần phải quan tâm hơn đến huy động nguồn lực trong nước.
Theo bà Thanh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nhưng nguồn lực trong dân còn “tương đối nhiều” nên cần phải huy động kết hợp với nguồn lực nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn do năng lực đang hạn chế, khả năng huy động vốn hạn chế.
“Hiện việc hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng gặp trở ngại, tín dụng tăng chậm, có nguy cơ chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản”, ông Huệ nói.
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), huy động nguồn lực trong dân.
“Giờ muốn huy động vốn mà không huy động được thì rất khó. Nhiều đồng chí nói cứ để địa phương phát hành trái phiếu công trình, nhưng xoay đi xoay lại người mua các loại trái phiếu này cũng là các tổ chức tài chính, chủ yếu là ngân hàng mua”, ông Huệ phân tích.
Cho biết hiện Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như trước đây để huy động nguồn lực trong dân còn đang nhiều, chứ không phải thông qua "kênh bán buôn” là các ngân hàng thương mại, ông Huệ cũng nhấn mạnh phải tập trung phân tích các yếu tố để đánh giá năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế.
"Tiền đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để tiền rót vào mà tiêu được, nhất là phân bổ, giải ngân đầu tư công, giải quyết các dự án treo, chậm tiến độ...", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề cốt lõi trong 5 năm tới là ở chính sách và môi trường kinh doanh.
“Hiện nguồn lực trong dân còn rất nhiều nên chính sách phải làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền vào kinh doanh, chứ không để vào nhà cửa, vàng bạc, đô la tích trữ. Đây là vấn đề lớn và cũng là trăn trở. Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ nhưng triển khai thực tế còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới làm sao khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để huy động được nguồn lực trong dân, bên cạnh sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài, vốn doanh nghiệp nhà nước. Vốn trong dân còn rất lớn, mà chúng ta chưa phát huy được”, ông Dũng nêu.
Lê Hiệp