Vietstock - Việt kiều mách nước đưa hàng Việt sang Mỹ
Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Việt Nam.
Ngày 12-11, tại TP.HCM (HM:HCM) đã diễn ra hội nghị trực tuyến Kết nối doanh nghiệp (DN) đồng bằng sông Cửu Long với các DN kiều bào tiềm năng tại Mỹ.
Muốn làm ăn bài bản, lâu dài
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thông tin hiện nay tỉnh đã có một số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ như xoài, nhãn, thủy sản, bánh phồng tôm, dầu cám gạo... Tuy nhiên, số lượng công ty xuất khẩu, hợp tác với đối tác ở Mỹ còn ít.
“Tỉnh Đồng Tháp mong muốn có cơ hội trao đổi trực tiếp với nhà thu mua, nhập khẩu, DN nước sở tại. Qua đó, tỉnh muốn được tư vấn về các yêu cầu kỹ thuật, thuế quan, nhập khẩu và nắm bắt xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Từ đó tỉnh định hướng được sản phẩm xuất khẩu đạt yêu cầu cho thị trường này” - ông Nghĩa nói.
Bà Amy Nguyễn, đại diện một công ty xuất nhập khẩu tại Mỹ, nhận định Việt Nam (VN) đứng đầu thế giới về trồng thanh long nhưng sản phẩm đạt chất lượng để bán cho người Mỹ lại chưa nhiều. Thực tế chỉ có khoảng 5% thanh long Việt vào được thị trường Mỹ, còn lại đa số xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Trong 10 năm qua, nhiều công ty mang thanh long qua Mỹ bán nhưng khó thành công vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tại thị trường này. Do vậy, nếu các DN Việt muốn mang thanh long bán cho thị trường Mỹ cần chú ý về chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là hàng đẹp mà còn phải tuân theo quy định của luật Mỹ vì mỗi loại trái cây có quy định riêng.
“Để làm được điều này, từ người trồng đến nhà nhập khẩu cũng như cơ quan chức năng phải áp dụng các công nghệ hiện đại, tham khảo công nghệ của các quốc gia khác như Israel. Đặc biệt phải đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể làm ăn lâu dài, bền vững được” - bà Emily Nguyễn nhấn mạnh.
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), cũng cho hay hằng năm VN thu hoạch khoảng 1,7 triệu tấn thanh long, trong đó 62% bán cho Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường lân cận.
Xoái Đồng Tháp đang được xuất khẩu sang Mỹ. Trong ảnh: Hộp sáu trái xoài cát Cao Lãnh, Đồng Tháp được đấu giá 100 triệu đồng.Ảnh: Tú Uyên
|
Tại hội nghị đã diễn ra việc ký kết hợp tác xuất, nhập khẩu của các DN Việt và Mỹ qua sáu hợp đồng giá trị khoảng 200 triệu USD. Ngoài ra, thành lập website tiếp nhận thông tin và kết nối DN trong nước với DN Mỹ. |
Đảm bảo uy tín hàng Việt
Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, cho biết hiện nay tại một số siêu thị ở Mỹ bán gạo, thanh long, chôm chôm và một số trái cây xuất xứ từ VN. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu chỉ để những nhà xuất nhập khẩu nhỏ lẻ, đơn phương làm theo kiểu “hôm nay nhập hàng Việt, mai nhập Thái Lan…” thì khó kiểm soát chất lượng hàng hóa khi bán vào Mỹ.
Do vậy, nếu có một nơi tập trung hàng hóa để kiểm tra, kiểm soát tất cả tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ đảm bảo được uy tín cho thương hiệu hàng Việt. Hơn nữa, khi có trung tâm phân phối tập trung sẽ tạo được nguồn hàng ổn định, tránh tình trạng lúc có lúc không.
Ông David Dương cũng nhấn mạnh nếu muốn làm ăn ổn định, lâu dài tại thị trường Mỹ thì nhà nông, nhà xuất khẩu phải hợp tác chặt chẽ từ khâu trồng trọt nhằm tạo ra chất lượng đồng bộ, ổn định. Ví dụ, bán thanh long cùng kích cỡ nhưng khi cắt ra trái ngọt, trái chua cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ cũng lưu ý rằng không chỉ quan tâm đến việc làm sao đưa hàng hóa Việt sang Mỹ mà còn phải quan tâm hơn đến việc thu hút đầu tư của người Việt về nước. Bởi lẽ, khi kiều bào đầu tư thành công ở quê hương sẽ đem lại tiếng vang, từ đó thu hút thêm được nhiều người khác về đầu tư.
“Đầu tư ở đâu cũng không bằng đầu tư cho đất nước, quê hương mình. Chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối với tất cả nhà kinh doanh trong nước để mang sản phẩm Việt không chỉ tiêu thụ tại cộng đồng người Việt mà cả thị trường bản xứ” - ông David Dương chia sẻ.
Ông Trần Phước Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho biết sở có kế hoạch xây dựng trung tâm phân phối hàng VN ở các nước và hiện nay đang chuẩn bị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng nhấn mạnh VN sẵn sàng hỗ trợ kiều bào ở nước ngoài tiếp tục thành công ở nước sở tại và tăng cường các hoạt động hợp tác với quê hương. Thông qua các chính sách cụ thể, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN kiều bào đầu tư kinh doanh tại VN.
Thanh long đóng thùng để xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: QH
|
Thách thức trong việc đưa hàng Việt sang Mỹ Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, đánh giá: Mỹ là thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng VN. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Mỹ với hơn 2 triệu người, sở hữu hàng ngàn cơ sở kinh doanh tại khắp các tiểu bang của Mỹ. Các doanh nhân người Việt tại Mỹ đã chứng tỏ có tiềm lực lớn trong việc tham gia đầu tư thương mại ở VN cũng như hỗ trợ hiệu quả cho DN trong nước thâm nhập thị trường sở tại. Dù vậy vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa VN vào thị trường Mỹ. “Bên cạnh các rào cản về thương mại, kỹ thuật thì thị trường Mỹ còn có yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Họ cũng mong muốn các đối tác cam kết làm ăn uy tín, lâu dài; có nguồn hàng ổn định và hiểu biết các quy định về pháp luật của nước sở tại” - Đại sứ Hà Kim Ngọc lưu ý. |
TÚ UYÊN