Vietstock - Vai trò của công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn
Hiện mới chỉ có 14% doanh nghiệp Việt Nam thành công trong thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ có 21% doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Con số này còn quá khiêm tốn so với 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nghiêng về FDI.
Ảnh minh họa. |
Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Kết nối còn mờ nhạt
Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ này cũng có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, song rất chậm chạp.
Còn từ phía các doanh nghiệp FDI thì việc liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê, chỉ 26,6% đầu vào của khu vực doanh nghiệp này được mua tại Việt Nam, trong đó, một tỷ lệ đáng kể là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.
Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ nước mình, hơn là việc sử dụng hàng hóa từ nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Tại hội thảo "Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ với khu vực FDI: Cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp" ngày 4/9, PGS.TS.Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân một phần là do năng lực của các doanh nghiệp còn yếu kém, chưa đạt đến tiêu chuẩn để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do một số doanh nghiệp chưa chủ động kết nối với khu vực FDI; chưa cải thiện được mạnh mẽ khả năng tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhất là trong các ngành chế tạo. Ngay cả việc xuất khẩu gián tiếp thông qua cung ứng sản phẩm đầu vào cho khu vực FDI cũng còn là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong nước.
"Nói cách khác, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát huy được mạnh mẽ vai trò đáng lẽ phải đạt được trong điều kiện của một quốc gia đang dịch chuyển mạnh mẽ quá trình công nghiệp hoá như Việt Nam.
Thực tế này đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp trong nước nếu muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra...", ông Tuất nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Tiến, đại diện dự án Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) cùng nhận định, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, họ cũng mang theo các nhà cung ứng của họ. Điều này dẫn đến, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp FDI vẫn còn rất thấp.
Tránh phát triển phân tán, rời rạc
Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, cần cải thiện hiệu quả hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp trong nước cần đào tạo lao động tốt hơn để nắm bắt được công nghệ mới và Nhà nước cần hỗ trợ họ trong công tác này.
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam, vấn đề quan trọng là chất lượng và hiệu quả thu hút FDI như trình độ công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá, lao động qua đào tạo. Đây là những vấn đề hiện đã có nhiều mô hình thành công, nhất là doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam liên kết theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, ông Mại cũng đề xuất, để bảo đảm các mục tiêu về chất lượng thu hút FDI được thực hiện nhanh thì cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư theo hướng gắn với kết quả chứ không chỉ đơn thuần dựa vào quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tuất cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ cần theo "bầy đàn", các doanh nghiệp nội địa cần kết nối hiệu quả với nhau. Dẫn một ví dụ về sản xuất bộ chứa khí cho xe máy Yamaha, trong đó doanh nghiệp làm quả ga, doanh nghiệp làm lò xo, doanh nghiệp làm dây... 28 doanh nghiệp kết hợp để làm ra sản phẩm cuối cùng là bộ chứa khí của Yamaha.
Tức là một cụm công nghiệp hỗ trợ dính với nhau để đưa ra các sản phẩm linh kiện cho xe Yamaha. Và khi Yamaha ra một nhãn xe khác, họ thay đổi bộ chứa khí, khi đó 28 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lại ngồi lại với nhau để bàn bạc, đưa ra chiến lược sản xuất.
"Điều này là quan trọng nhất của công nghiệp hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa làm được. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển phân tán, rời rạc, mỗi "ông" ở một nơi nên không thể kết nối được", ông Tuất nhấn mạnh.
SONG HÀ