Vietstock - Đường lậu 800.000 tấn, bắt giữ được hơn 3.000 tấn
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính đường lậu từ Thái Lan về Việt Nam thông qua các cửa khẩu Campuchia lên tới 800.000 tấn và kéo dài hàng thập kỷ qua nhưng không có cách nào xử lý triệt để.
Giá mía liên tục giảm trong những năm qua khiến nhiều nông dân trồng mía rơi vào cảnh thua lỗ. Ảnh: Thanh Hải |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tổ chức ngày 30-10.
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 cho biết từ năm 2018 đến hết tháng 9-2019, các lực lượng chức năng mới phát hiện thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm, trị giá trên 12,5 tỉ đồng.
Theo Ban chỉ đạo 389, hiện giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường trong nước đang phải đối diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn nhiều thập kỷ nay.
Tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm 30-60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư trồng mía 70 triệu/ha nhưng thu được 30-40 triệu/ha khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng trồng càng lỗ. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn 2 năm qua việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho ⅓ các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.
Nhiều bất cập về quy định quản lý đường hiện tại khiến cho các cơ quan chức năng "biết mà không làm được gì" với đường lậu - Ảnh: TRẦN MẠNH |
Đường lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào các biên giới tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.
Thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói sau công đoạn đóng bao mới đường lậu thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.
Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Các đối tượng này sẵn sàng đưa ra giá đấu thầu rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được.
Ngoài ra các đối tượng buôn lậu còn đưa bao bì in trong nước sang đóng gói ở nước ngoài (Campuchia) và như vậy đường lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bị bắt quả tang thì rất khó chứng minh là đường lậu khi đã vào nội địa. Theo quy định hiên hành, một khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp. Hầu như các cơ quan chức năng hiện nay rơi vào hoàn cảnh “biết mà không làm gì được”.
TRẦN MẠNH