Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng đã tăng 28,4% trong 9 tháng đầu năm 2022. Theo chuyên gia, đây là con số mà nhà đầu tư ngành ngân hàng nên quan tâm tới. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt có xu hướng tăng cao. Cụ thể, thống kê số liệu BCTC quý 3/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.
Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.
Tại NCB, tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2022 tăng gấp 5,3 lần so với đầu năm, lên 6.648 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu tại ngân hàng OCB cũng tăng gấp đôi trong 9 tháng qua, từ 1.349 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.801 tỷ đồng khi kết thúc quý 3/2022. Không chỉ các ngân hàng trung và nhỏ, nợ xấu cũng có xu hướng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng lớn như BIDV (HM:BID) (48,6%), Vietcombank (HM:VCB) (47%) hay ACB (HM:ACB) (44,9%),…
Có thể thấy, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với những khó khăn về chất lượng tài sản do nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14 kết thúc. Những thách thức này có thể phần nào được "hóa giải" nếu ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc có rủi ro cao.
Thống kê tại 27 ngân hàng cho thấy, có 14 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trong 9 tháng qua trong khi 13 thành viên còn lại cắt giảm tỷ lệ này.
Dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 19 điểm %), Vietcombank vẫn đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ này với 402%. Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 9 đã được nâng lên 250%, thay vì mức 180% cuối năm 2021. Tại BIDV, tỷ lệ này hiện đang là 214%, tại MBB (HM:MBB) là 208%, BacABank là 190%,…
Trong số 27 ngân hàng trong nhóm khảo sát, hiện đã có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%.
Tuy nhiên, đây không phải là kết quả chung của toàn hệ thống. Thống kê cho thấy, có tới 10/27 thành viên đang sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn 60%. Như tại NCB, tỷ lệ này đến cuối tháng 9/2022 mới chỉ ở mức 14%, tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng mới chỉ có 0,14 đồng để dự phòng. Tương tự, tại các thành viên như VietBank, Baovietbank, PGBank hay Saigonbank, con số này cũng chỉ ở mức khiêm tốn trên dưới 50%.
Chuyên gia: Nhà đầu tư ngành ngân hàng nên quan tâm tới nợ xấu
Mới đây, trong chương trình Gõ cửa tháng mới của CTCP Chứng khoán SSI (HM:SSI) mới đây, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện đầu tư, ngành và cổ phiếu tiềm năng trong thời gian sắp tới.
Bàn về ngành ngân hàng, bà Phương gợi ý một chỉ số để nhà đầu tư quan tâm là tỷ lệ nợ xấu. Đây là rủi ro lớn nhất mà nhiều nhà đầu tư có thể nhìn thấy.
Đánh giá về thời điểm hiện tại, Giám đốc phân tích của SSI Research cho rằng, điểm lo ngại hiện hữu nhất là thị trường bất động sản trầm lắng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là hai thị trường liên quan đến các khoản vay của ngân hàng và triển vọng sắp tới của ngân hàng vì phải cần một thời gian để các khoản vay chuyển hóa thành nợ xấu.
Một chỉ số tài chính khác cũng được quan tâm khác đó là tỷ lệ bao nợ xấu. Vị chuyên gia giải thích, tỉ lệ bao nợ xấu tức là các ngân hàng ngay trước đó đã tiến hành trích lập dự phòng trước. Như vậy, ngân hàng đã để lại một phần lợi nhuận dự phòng rủi ro trong tương lai. Ngân hàng có tỉ lệ bao nợ xấu cao tức là họ đã chuẩn bị khá kĩ càng để có thể đón nhận những làn gió trướng sắp tới.