Vietstock - Tỷ giá – 1 năm nhìn lại
Tỷ giá USD/VND năm 2019 tăng đều nhưng vẫn ổn định nhờ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá.
Kết thúc năm 2019, NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND (HM:VND)) và đô la Mỹ (USD) thêm 330 đồng, lên mức 23,155 đồng/USD, tương đương tăng 1.4% so với hồi đầu năm 2019.
Tỷ giá trung tâm USD/VND năm 2019 Nguồn: VietstockFinance |
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã giảm tỷ giá trung tâm 81 lần, những lần giảm tỷ giá này chỉ dao động khoảng từ 1 đến 15 đồng. Riêng ngày gần cuối tháng 1 trước khi chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán (28/01/2019), NHNN đã giảm tỷ giá trung tâm từ 22,880 đồng xuống còn 22,858 đồng, tương đương giảm 22 đồng so với phiên trước đó, đây được xem là mức giảm cao nhất trong năm 2019.
Sau đợt giảm mạnh, tỷ giá trung tâm bất ngờ bật tăng mạnh 47 đồng vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những phiên còn lại, mức tăng tỷ giá trung tâm chỉ dao động từ 1 đến 20 đồng.
Trong năm 2019, tỷ giá trung tâm USD/VND đã có 3 lần lập đỉnh mới. Lần đầu tiên, khi tỷ giá trung tâm USD/VND vượt qua mốc 22,998 đồng, lên mức 23,004 đồng từ cuối tháng 4. Sau đó, tỷ giá trung tâm biến động nhưng vẫn trong kênh tăng, và đạt mốc mới thứ hai tại 23,115 đồng vào đầu tháng 8. Mốc cuối cùng được lập trong năm 2019 chạm mức 23,169 đồng vào cuối tháng 12, tăng 344 đồng, tương đương tăng 1.5% so với đầu năm 2019.
Trong năm qua, tỷ giá chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gây sức ép phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY). Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 3 lần trong năm qua và sự điều tiết nguồn cung ngoại hối của NHNN cũng ảnh hưởng lên các đợt tăng mạnh của tỷ giá trong năm.
Từ đầu tháng 8, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 01/08. Đẩy tỷ giá CNY so với USD rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, vượt ngưỡng 7 CNY/USD ngày 05/08/2019. Động thái này gây sức ép lên tỷ giá USD/VND bởi đồng CNY là một trong 8 loại tiền tệ trong rổ tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam. Kết quả NHNN đã có động thái điều chỉnh tăng thêm 15 đồng, đưa tỷ giá trung tâm lên mức 23,115 đồng vào ngày 06/08/2019.
Mặc dù có những diễn biến tăng giảm đan xen nhưng thị trường ngoại hối quốc tế năm 2019 cũng không có biến động quá mạnh, do những biến số này đã được dự báo từ trước, không có nhiều tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy Fed đã có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2019, song, chỉ số đô la Mỹ bình quân năm 2019 vẫn tăng 0.99% so với năm 2018. Khi đồng USD lên giá, mà tỷ giá USD/VND vẫn giữ nguyên, có nghĩa là VND tăng giá so với các đồng tiền khác và làm hàng hóa của chúng ta sẽ kém tính cạnh tranh.
Nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ, tình hình thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể thấy việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN là một bước đi cần thiết để góp phần ổn định vĩ mô.
Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục
Nguồn cung ngoại tệ ở Việt Nam được đánh giá là rất dồi dào trong năm 2019. Theo dữ liệu kiều hối thường niên được Ngân hàng Thế giới (World Bank) cập nhật, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 có thể đạt 16.7 tỷ USD, chiếm khoảng 6.4% GDP và tăng xấp xỉ 4.4% so với năm 2018.
Minh chứng cho nguồn USD dồi dào còn được thể hiện qua việc Sở Giao dịch NHNN bất ngờ giảm giá mua vào USD 25 đồng xuống còn 23,175 đồng/USD sau khi đã duy trì mức giá mua vào 23,200 đồng/USD suốt từ ngày 02/01/2019 đến cuối phiên sáng 29/11/2019, tức đã giữ ổn định trong suốt 11 tháng qua. Có thể thấy, việc giảm giá mua vào USD thể hiện dự trữ ngoại hối của NHNN đang tăng cao nên không còn nhu cầu mua vào USD với số lượng lớn như trước nữa, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn, từ đó, giảm áp lực tỷ giá trong mùa cao điểm cuối năm.
Nhờ có nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn, cùng với thị trường ngoại hối ổn định đã giúp NHNN có điều kiện mua được một lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối của NHNN lên tầm cao mới 80 tỷ USD, tương đương tăng thêm 20 tỷ USD so với hồi đầu năm, đánh dấu tốc độ mua cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, tuy NHNN chủ động tăng tỷ giá trung tâm vẫn không làm xáo trộn tâm lý thị trường. Điều này đã được thực tế chứng minh khi nhìn lại quãng thời gian trước, ngoại trừ hai tháng 5 và 6 tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại, thì tỷ giá các ngân hàng thương mại niêm yết trong năm vừa qua luôn ổn định trong khoảng 23,160-23,250 VND/USD. Hơn nữa, tỷ giá trên thị trường tự do thường xuyên bằng hoặc thấp hơn tỷ giá của các NHTM mặc dù tỷ giá trung tâm có liên tục tăng.
Vì vậy, tỷ giá trung tâm tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2019 đạt 241.42 tỷ USD, tăng 7.8% so với cùng kỳ năm trước, giúp cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 9.1 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20.4 tỷ USD, tăng 6.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nổi bật nhất là những thương vụ rót vốn vào ngành tài chính ngân hàng trong thời gian qua. Cụ thể, đầu năm, Vietcombank (HM:VCB) đã phát hành riêng lẻ 111.11 triệu cp mới cho GIC Private Limited (GIC) – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd (Mizuho) thu về khoảng 6,200 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 265 triệu USD. Ngày 31/10, thương vụ bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank (Hàn Quốc) cũng đã giúp BIDV (HM:BID) thu về hơn 20,200 tỷ đồng, tương đương 885 triệu USD.
Bên cạnh đó, mặc dù đẩy mạnh tích lũy dự trữ ngoại hối nhưng NHNN lại kết hợp hài hòa với nghiệp vụ thị trường mở để hút ròng tiền đồng trong lưu thông. Cụ thể, trong khi NHNN mua vào lượng 8.35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm thì NHNN cũng đã hút ròng 46,427 tỷ đồng trong cả tháng 4, trong đó tập trung chủ yếu hút ròng 44,693 tỷ đồng vào tuần cuối cùng của tháng khi thanh khoản hệ thống đột ngột chuyển sang dư thừa. Song song với việc mua vào thêm 6.65 tỷ USD trong 4 tháng tiếp theo, NHNN cũng linh hoạt hút ròng thêm 35 ngàn tỷ đồng trong tháng 7 và 85,130 tỷ đồng trong tháng 9 trên thị trường mở nhưng thanh khoản ổn định cùng với giao dịch mua vào ngoại tệ đã hỗ trợ nguồn cung VND.
Với kết quả là mặt bằng giá cả trong nước vẫn trong tầm kiểm soát. Trên thực tế, bình quân 11 tháng năm 2019 chỉ tăng 2.57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 1.94% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Hơn nữa, trong khi CNY mất giá gần 2% so với USD thì VNĐ chỉ mất giá 1.4% trong năm 2019. Rõ ràng, việc điều phối tỷ giá trung tâm trong năm 2019 của NHNN nhằm phù hợp với diễn biến của thị trường.
Xuất phát từ quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn còn tốt, đồng thời, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN được kỳ vọng vẫn tiếp tục duy trì điều hành như thời gian vừa qua. Cùng với kỳ vọng kinh tế thế giới không có những biến động phức tạp, nhiều chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2020. Đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD tối đa từ mức khoảng 1-3%.
Ái Minh