Vietstock - Tương lai bất định cho những 'tay chơi' trên thị trường gọi xe
Những nghiên cứu thị trường cho thấy thế trận thị trường gọi xe, sau khi có một số "tay chơi" như Vato, FastGo… coi như bỏ cuộc thì tạm chia ra thành thế tam quốc gồm Grab với thị phần lớn nhất và lần lượt sau đó là Be và Go-Viet.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, với các tham số khá phức tạp, thị trường này có thể biến động khôn lường, dẫn đến tương lai bất định cho một số "tay chơi".
Các "tay chơi", "chém gió" và thế tam quốc thị trường gọi xe
Khi bắt đầu ra thị trường "tay chơi" gọi xe nào hầu như cũng thích "chém gió", song thực sự như nào ta nên xem lại chút:
Đầu tiên là Vato, tuyên bố vào hồi đầu 2018 sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD, song đến nay đã hàng năm trời trôi qua mà không thấy có nổi 1% thị phần.
Rồi ngay qua giữa năm 2018, FastGo rầm rộ triển khai sau khi có vốn đầu tư của VinaCapital, đến gần đây được khoảng 1% thị phần.
Và MyGo đình đám không kém với tuyên bố ngay khi bắt đầu vận hành đã có hơn 100.000 tài xế đối tác, song đến nay mở app ra chỉ có xe máy và taxi nhưng gọi thì hầu như đều lỗi app ngay, và không có nổi bất kỳ con số thị phần nào.
Các app này, "chém" nhẹ và "chém" nặng hầu như đều đã biết được thực chất như nào.
Như thống kê của ABI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trong 200 triệu chuyến xe ở Việt Nam được đặt thành công qua các ứng dụng, Grab mạnh nhất hoàn thành 146 triệu chuyến, tương đương 73% thị phần.
Xếp thứ hai là Be, với 31 triệu cuốc xe trong 6 tháng, giành được 16% thị phần.
Và Go-Viet, công ty con của Go-Jek tại thị trường Việt Nam, xếp thứ ba với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần.
Coi thế và số liệu này, có thể thấy thị trường đang tạm chia 3 theo thế tam quốc với Grab, Be và Go-Viet.
Tiềm ẩn sóng ngầm cạnh tranh dữ dội
Vẫn phải bắt đầu từ Grab, tay chơi sừng sỏ nhất trên thị trường. Grab từng đánh bại Uber và mua lại cả thị phần và khách hàng của Uber để trở thành "tay chơi" lớn nhất trên thị trường như hiện nay. Đến nay, "tay chơi" này vẫn tiếp tục quyết tâm với những khoản đầu tư khủng để duy trì vị thế số một.
Như ước tính của ABI và CEO (HN:CEO) của FastGo thì chỉ trong 6 tháng đầu 2019 vừa qua Grab đã chịu lỗ ít nhất 146 triệu USD (1 USD/ 1 chuyến xe và 146 triệu chuyến xe) – tức khoảng 3.300 tỷ VND (HM:VND). Đến nay Grab Việt Nam không bình luận gì về con số này. Các nhà phân tích thì hiểu họ có thể kiếm được tiền từ các phần khác trong hệ sinh thái của mình để bù đắp chi phí đầu tư này.
Vì thị phần của Grab đang lớn vọt hẳn lên và tích hợp thêm nhiều sức mạnh khác nên tạm thời coi như đây là đối thủ vô đối sẽ vẫn thống lĩnh trên thị trường trong thời gian tới mà chưa cần bàn thêm.
Giờ nói chuyện "tay chơi" số 2 là Be. Sẽ thấy Be đã đi được một chặng đường ngoạn mục khi chưa đầy một năm ra thị trường đã có được 16% thị phần. Tốc độ này của Be là khá ấn tượng. Be cũng mở rộng ra được các tỉnh thành và bắt đầu được dịch vụ chuyển hàng. So với Go-Viet, thì Be còn có ngay dịch vụ gọi xe ôtô cũng là điểm nhấn.
Song nếu nhìn từ một góc nhìn khác, Be đã có một số sai lầm đáng tiếc khiến lâu dài sẽ gặp khó khăn.
Sai lầm đầu tiên là Be đã đối đầu trực tiếp với tất cả, nên phải hao tốn quá nhiều nguồn lực trong cuộc chiến không cân sức chút nào này. Sai lầm này dẫn tới chỗ Be đã tiêu tốn ít nhất 1.700 tỷ trong nguồn vốn ít ỏi của mình vào màn mở đầu của cuộc chiến – như CEO của FastGo từng tiết lộ.
Sai lầm thứ hai là Be đã cố trải rộng sức mình ra các mặt trận cùng lúc nên dù Be đạt được nhiều mục tiêu song mỗi mục tiêu chỉ đạt được một chút. Như đầu năm Be tuyên bố năm 2019 này sẽ có mặt ở 22 tỉnh thành phố trong cả nước, song đến nay đã giữa quý cuối cùng của năm, Be mới đến được 7 tỉnh thành phố mà thôi.
Sai lầm lớn thứ ba của Be là việc chưa thật sự thấu hiểu cả tài xế lẫn khách hàng. Trong loại thị trường này thực ra tính trung thành không cao mà thường đi tìm giá tốt nhất, nên khi các đối thủ của Be cũng tung chiêu thưởng tài và ít nhân giá giờ cao điểm như thời điểm tháng 10 trở đi thì không những các lợi thế cạnh tranh của Be đang yếu đi nhanh chóng mà cả tài xế lẫn khách hàng cũng nhanh chóng tuột khỏi tay. Việc "đốt" gần 1.700 tỷ sắp thành vô nghĩa.
Còn nhiều sai lầm nữa cả về chiến lược và chiến thuật sẽ khiến cuộc chơi chỉ để duy trì ngôi vị thứ nhì trên thị trường của Be sẽ rất khó khăn, chứ chưa cần nói đến việc giành ngôi vương.
Go-Viet lại liên tục gặp vấn đề về lãnh đạo. Cũng chính vì vậy trong thời gian đầu, khi niềm tin còn mãnh liệt và nguồn tài chính còn sung sức, Go-Viet đã sử dụng khá sai nguồn lực của mình vào việc chiếm thị trường ồ ạt. Chính vì thế, khi bắt đầu thu phí, phần lớn bóng áo đỏ bỗng nhiên biến mất. Giờ đây, sau đợt thu thuế thu nhập cá nhân, trên đường gần như chỉ còn những áo đỏ bạc màu thưa thớt.
Điểm lại các dịch vụ của Go-Viet, mới có GoBike, GoFood và GoSend còn dịch vụ gọi xe ô tô – một trong những mấu chốt của cạnh tranh trên thị trường lại chưa có. Hiện tại, Go-Viet đang chật vật với được 10% thị phần. Nếu Go-Viet không thể giải quyết được vấn đề con người, việc giữ vững thị phần tại Việt Nam sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.
Chiến lược trong thế Tam quốc
Điều dễ thấy là Go-Viet, trong một chiến lược đơn giản nhất sẽ tạm né tránh Grab – đối thủ đang có thị phần lớn hơn họ gấp hơn 7 lần. Thực tế là, đối thủ trực tiếp, dễ thắng nhất mà Go-Viet có thể nhắm vào chính là Be – một bên đã tiêu hàng ngàn tỷ song cũng mới chỉ có 16% thị phần, tiền đã cạn nhiều và chưa chắc chân chút nào.
Như vậy, có thể thấy rõ cuộc chiến sắp tới, một mất một còn trên thị trường gọi xe có khả năng lớn sẽ là cuộc chiến giữa "tay chơi" nắm vị trí thứ hai – Be và vị trí thứ ba – Go-Viet.
Bối cảnh quốc tế lúc này, sự niêm yết không mấy thành công của cả Uber lẫn Lyft làm cho các tay chơi trên thị trường gọi xe sẽ vô cùng khó khăn khi gọi vốn tiếp. Tương lai của các công ty trên thị trường gọi xe nói chung lúc này đều là bất định ở mức ít hay nhiều. Dễ hiểu hơn các công ty kém hơn sẽ có tương lai vô cùng bất định.
GoJek, công ty mẹ của GoViet với thông điệp tập trung đầu tư vào Việt Nam trong tuần qua vẫn có thể rót sẽ vốn để "chiến đấu" tiếp, còn Be, với một giai đoạn đầy vấn đề như vừa qua, và mới có lương duyên với một số nhà đầu tư trong nước, giờ đây sẽ rất khó khăn nếu muốn tạo dựng nguồn sinh lực để đi tiếp trong một thị trường vốn đã khó chồng chất khó vừa qua.
Trần Vĩnh