Vietstock - TPHCM 'kêu' khó mời gọi đầu tư chống ngập
Ngày 3/7, tại cuộc giám sát của HĐND TPHCM về quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cảnh báo sắp tới, khi Luật PPP có hiệu lực, TPHCM sẽ gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập, sạt lở, di dời các hộ dân ven kênh rạch…
Lắp đặt cửa van cho các cống kiểm soát triều thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” được đầu tư bằng hình thức BT.
|
Tại buổi giám sát, Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình phân tích: Từ năm 2016, HĐND TPHCM đã ban hành nghị quyết cho phép chuyển đổi các dự án từ đầu tư công bằng vốn ngân sách sang hình thức đầu tư PPP nếu mời gọi được đối tác. Tuy nhiên, qua giám sát, 5 năm qua TPHCM chưa có dự án nào chuyển đổi từ vốn ngân sách sang PPP. Do đó, UBND TPHCM cần quan tâm, kêu gọi nhiều dự án PPP hơn để giảm gánh nặng cho ngân sách.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, hình thức đầu tư PPP có ưu điểm vượt trội là giảm gánh nặng cho ngân sách do kêu gọi được nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện dự án PPP, các quy định pháp lý dù đã đầy đủ như có đề xuất dự án, tổ chức kêu gọi đầu tư, công khai minh bạch, tổ chức lựa chọn, triển khai thực hiện, thanh toán quyết toán… nhưng thực hiện không dễ dàng vì từng khâu trong các quy định hoặc giai đoạn đều có những lỗ hổng pháp lý.
Đơn cử: Đề xuất dự án theo quy định có 2 nhóm. Nhà nước đề xuất dự án thì không nhà đầu tư nào tham gia. Còn nhà đầu tư đề xuất dự án thì coi như nhà đầu tư đã chủ động tham gia. “Nếu như nhà nước đề xuất mà có nhiều nhà đầu tư tham gia thì quá tốt nhưng đằng này nhà đầu tư đề xuất và chắc chắn họ tham gia thì không khác gì …chỉ định thầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần lơ là, quản lý giám sát không tốt thì thiệt thòi thuộc về nhà nước. Đó chính là lỗ hổng. Chưa nói, trong dự án PPP, hình thức chỉ định thầu là chủ yếu khiến quy mô dự án phình ra”, ông Hoan cho hay.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thêm: “Nguyên tắc của dự án PPP là làm sao xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất dọc theo dự án. Trong khi đó, ở TPHCM, nhà đầu tư làm dự án PPP ở vùng ven nhưng muốn lấy đất ở trung tâm thành phố, nghĩa làm chỉ muốn làm con đường cho xong để có đất chứ không quan tâm phát triển đô thị. Nhà đầu tư thích được thanh toán bằng đất hơn bằng tiền vì càng về sau đất càng có giá. Việc thanh toán cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Trần Anh Tuấn, thông qua hình thức BT, trong giai đoạn 2015 - 2017, TPHCM đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần giải quyết nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế; góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân như giảm kẹt xe, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục…
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, TPHCM đang quản lý 22 hợp đồng dự án PPP đã ký kết và đang triển khai với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng. |
Huy Thịnh