Vietstock - TPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 10,717 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận cho TPBank tăng vốn điều lệ từ gần 8,566 tỷ đồng lên 10,717 tỷ đồng.
NHNN yêu cầu TPBank phải thự chiện tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan theo Luật các Tổ chức tín dụng.
TPBank chỉ được thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định khi tuân thủ quy định của pháp luật.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2020 của TPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8,566 tỷ đồng lên 10,199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, được thực hiện trong quý 3 và 4 năm nay.
Và ngày 26/10/2020 vừa qua, HĐQT TPBank đã thông qua các nội dung triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 điều chỉnh lần 2. TPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 1,811 tỷ đồng thông qua phát hành thêm 181.12 triệu cp phổ thông cho cổ đông hiện hữu.
Đồng thời, Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn gần 340 tỷ đồng thông qua phát hành 33.97 triệu cp phổ thông theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty năm 2020 của TPBank (ESOP).
Dự kiến sau 2 lần phát hành trên, vốn điều lệ TPBank sẽ tăng thêm gần 2,151 tỷ đồng, từ 8,566 tỷ đồng lên mức 10,717 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
TPBank "ra đời" khá trễ với mức vốn điều lệ đã lên đến 1,000 tỷ đồng khi mới được thành lập vào năm 2008. Vốn điều lệ của TPBank tăng nhưng không đáng kể qua từng năm, mãi đến năm 2018 sau 2 lần tăng vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ 87.6 triệu co trong tháng 06/2018 và trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng trong tháng 10/2018, vốn điều lệ của TPBank mới tăng lên mức 8,566 tỷ đồng. Và mức vốn điều lệ này được giữ từ năm 2018 đến nay.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Về kết quả kinh doanh, kể từ khi báo lỗ 1,372 tỳ đồng trong cơn khủng hoảng kinh tế năm 2011, sau đó kết quả kinh doanh của TPBank phát triển theo chiều hướng đi lên nhưng chỉ thật sự gọi là tăng trưởng từ khoảng năm 2017 đến nay. Kết quả năm 2017 giúp TPBank góp mặt vào nhóm lãi nghìn tỷ khi tăng đến 70% lợi nhuận trước thuế so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của năm 2018 (+87%) và năm 2019 (+71%) tiếp tục bứt phá khi đem về con số lợi nhuận 2,258 tỷ đồng và 3,686 tỷ đồng cho Ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của TPBank tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận gần 3,023 tỷ đồng và gần 2,420 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch 4,068 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, TPBank đã thực hiện được 74% kế hoạch năm.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của TPBank tăng 18% so với đầu năm, lên mức 193,461 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 15%, lên mức hơn 110,340 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng 18%, lên mức 108,694 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng luôn được kiểm soát dưới 2% dù có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Tính đến ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng đến 60% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76%, nợ nghi ngờ tăng 82%, trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng 27%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức 1.29% đầu năm lên 1.79%.
Diễn biến giá cổ phiếu TPB từ đầu năm đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Trên thị trường, thị giá TPB hiện đang giao dịch quanh mức 23,450 đồng/cp (chốt phiên 06/11/2020), tăng 11% so với đầu năm với khối lượng giao dịch bình quân gần 600,000 cp/ngày.
Hàn Đông