Vietstock - Tiến độ giải ngân đầu tư thấp: Nguyên nhân nào?
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt là vốn nước ngoài giải ngân chậm, làm tăng chi phí vay.
* 'Nửa năm không giải ngân nổi một đồng vốn ODA'
* 3 bộ phối hợp, giải ngân của TP.HCM (HM:HCM) sẽ tăng lên 40%
* 2 tuyến Metro TP.HCM: Vì sao vay nợ nước ngoài, 'tắc' giải ngân?
Chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn
|
Bộ KH&ĐT đã phân tích, chỉ ra những nguyên nhân lớn dẫn đến giải ngân vốn đầu tư thấp.
Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đa số các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn cho các dự án để phù hợp với tình hình thực hiện từng dự án và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại nhiều địa phương HĐND không kịp họp để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân vốn, dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.
Nhiều địa phương chưa ban hành dự toán xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành của ngành, địa phương, làm cơ sở để lập đơn giá, xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Vẫn còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù.
Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
Đối với vốn nước ngoài, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.
Công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Hầu hết các dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Nhật Quang