Vietstock - Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời
Giá cả các hàng hóa dịch vụ thiết yếu tăng liên tục qua các năm nhưng thuế thu nhập cá nhân đã 6 năm rồi không thay đổi, khiến số tiền đóng thuế của người dân cao hơn, thu nhập thực tế teo tóp lại.
|
Học thì khỏi ăn, khỏi mặc
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với sự phát triển của kinh tế cũng như nhiều mô hình kinh doanh cá thể khác. Vì vậy cần phải có sự thay đổi nhanh để người đóng thuế không cảm thấy bị đối xử mất công bằng TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Đó là than thở của rất nhiều bậc phụ huynh là cán bộ công nhân viên đang hưởng mức chiết trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người theo luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành. Chị Lê Kim (Q.7, TP.HCM) cho biết con gái lớn của chị vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM từ năm học 2016 - 2017, lúc đó học phí là 18 triệu đồng/năm thì đến nay chuẩn bị bước vào năm thứ tư, học phí ước tính lên mức hơn 24 triệu đồng/năm. Cậu con trai nhỏ năm 2018 vào học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) học phí khoảng hơn 1,5 triệu đồng/tháng. "Cả hai đứa đều phải theo học 3 khóa Anh văn mỗi năm với học phí 15 triệu đồng/khóa; học thêm các môn khác như toán, ngoại ngữ thứ hai... Tính tổng cộng nuôi một học sinh cấp 3 tốn kém có khi cao hơn cả học ĐH. Dù mình không ghi rõ từng khoản chi nhưng ước tính mỗi tháng, 2 đứa con đang đi học mình phải chi trả lên gần 15 triệu đồng. Đó chỉ là những khoản chi phí chính, chưa kể ăn mặc, sinh hoạt ngoại khóa, tiền khám chữa bệnh... Vậy mà chỉ cho khấu trừ một người phụ thuộc có 3,6 triệu đồng, nói thật là có khéo co đến đâu thì cũng đóng tiền học thì nhịn ăn, nhịn mặc còn chưa đủ", chị Lê Kim nói.
Người dân làm thủ tục thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Nếu nhìn vào mặt bằng giá trên thị trường, sự lỗi thời của thuế TNCN có thể nói là vô cảm. Đơn giản là cách đây mấy năm tiền gửi xe máy chỉ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc tùy chỗ, còn hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Với các mặt hàng thiết yếu, hơn 6 năm qua mỗi lít xăng đã tăng thêm 12 - 15% tùy loại; điện tăng 23,5%; học phí, viện phí... mọi cái đều tăng. Nghĩa là chi phí tối thiểu đã tăng mạnh nhưng thuế TNCN không được điều chỉnh khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn.
Đáng nói là theo quy định, trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Thế nhưng tính đến thời điểm này, sau hơn 6 năm áp dụng luật Thuế TNCN, CPI đã tăng xấp xỉ 24%, hết năm nay khoảng 26% thì các ngưỡng thuế quá lỗi thời này vẫn đứng y.
Không khuyến khích tăng năng suất lao động
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định CPI từ 2013 đến nay tăng hơn 23% là chỉ tính theo kiểu số học. Nếu tính ở từng nhóm hàng thì mức tăng sẽ cao hơn nhiều. Chiếu theo luật đã đến lúc các quy định khấu trừ gia cảnh phải được thay đổi.
Theo TS Lê Đạt Chí, ngoài việc phải nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lẫn người phụ thuộc thì khoảng cách giữa các bậc thuế cũng phải được tính toán lại. Bởi hiện nay, các loại chi phí sinh hoạt hằng ngày đang gây ảnh hưởng rất lớn cho người nộp thuế, nhất là người làm công ăn lương. Đồng thời, cần xác định lại mức thu nhập như thế nào là cao để đưa ra biểu thuế phù hợp. Ví dụ trên 5 - 10 triệu thuế suất 10% là thuế quá cao. Hay từ 18 - 32 triệu thuế suất 20% cũng không hợp lý. "Với biểu thuế hiện hành, nhiều người không muốn đóng góp công sức nhiều hơn. Chẳng hạn với các giáo viên, nếu trong trường tăng cường dạy thêm các khóa học và tính tổng thu nhập chịu thuế họ phải đóng lên mức 20%. Trong khi đó nếu họ đi dạy ở các trung tâm bên ngoài thì chỉ đóng thuế 10%", ông Chí dẫn chứng và cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu sửa đổi luật Thuế TNCN trong đó đưa ra giải pháp kích thích tiêu dùng vì có lợi cho nền kinh tế. Chẳng hạn cho phép người dân được tự quyết toán và cho khấu trừ các chi phí sinh hoạt hằng ngày, như khám chữa bệnh, ăn mặc, học phí cho con cái, thậm chí cả chi phí xăng xe. Từ đó cũng có tác động ngược lại đến việc nhà nước tăng thu được các loại thuế thông qua kiểm soát doanh thu của các cửa hàng cá nhân hay người buôn bán qua mạng. Hiện nay rất nhiều hoạt động kinh doanh cá thể đóng thuế rất thấp; nhiều người có thu nhập rất cao từ kinh doanh qua mạng nhưng không phải đóng thuế hoặc chỉ đóng thuế khoán bèo bọt trong khi người làm công ăn lương lại bị đóng thuế quá nhiều. “Luật Thuế TNCN đã quá lạc hậu so với sự phát triển của kinh tế cũng như nhiều mô hình kinh doanh cá thể khác. Vì vậy cần phải có sự thay đổi nhanh để người đóng thuế không cảm thấy bị đối xử mất công bằng”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Khoảng cách giữa các bậc thuế bất hợp lý đã được đề cập rất nhiều lần trước đây và có không ít chuyện bi hài quanh câu chuyện này. Chẳng hạn một người làm việc cho một công ty IT tại TP.HCM kể, chị mới lãnh lương tháng 7 vào ngày 20 vừa rồi và "vô cùng đau khổ vì tháng này thu nhập tăng thêm vài trăm ngàn đồng". Hỏi sao thu nhập tăng lại buồn, chị nói, chỉ vì vài trăm ngàn đó mà chị rơi vào ngưỡng thuế cao gấp đôi, số tiền bị khấu trừ còn hơn số thu nhập tăng thêm. "Công ty tôi tính hệ số lương theo năng suất lao động hằng tháng nên thu nhập cũng thay đổi liên tục. Cứ mỗi lần lãnh lương là mọi người lại phập phồng sợ rơi vào tình trạng thu nhập tăng ít mà thuế trừ nhiều như trường hợp tôi tháng vừa rồi", chị này nói.
Thu nhập tăng ít, thuế tăng nhiều
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay trong chương trình Quốc hội năm 2019 và cả năm 2020 không thấy đưa việc sửa đổi luật thuế này vào. Trong khi với mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay đang tạo áp lực lên người nộp thuế bởi mức họ phải nộp tăng lên nhiều so với trước.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của VN ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Như vậy, so với năm 2013, thu nhập bình quân tăng 17,27 triệu đồng, tương ứng 41,8%. Ông Trần Xoa tính toán, một người nộp thuế năm 2013 có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, trừ mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng, số thuế người này nộp khoảng 900.000 đồng. Trường hợp thu nhập của người này tăng lên 30 triệu đồng/tháng, số thuế phải nộp lên 2,55 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của người nộp thuế tăng 50% nhưng số thuế phải nộp tăng lên gấp 2,8 lần, đồng thời từ mức thuế suất bậc 3 nhảy lên bậc 4. Thu nhập của người nộp thuế tăng không nhanh bằng tốc độ nộp thuế.
Có thể điều chỉnh ngay được Luật sư Trần Xoa phân tích: “Nếu chờ soạn thảo sửa đổi luật thì mất rất nhiều năm nữa mới có thể áp dụng được. Quốc hội có thể xem xét ra nghị quyết để giảm áp lực đối với người nộp thuế, cũng như có thể tránh hiện tượng né thuế, lách thuế mà số thu ngân sách lại tăng lên”. Theo vị luật sư này, mức giảm trừ gia cảnh năm 2009 ở mức 4 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế tăng lên 9 triệu đồng/tháng vào năm 2013, tương đương tăng 125% trong vòng 4,5 năm. Từ năm 2013 đến 2020 là 7 năm, nếu vẫn lấy mức tăng 125% của kỳ tăng trước, mức chiết trừ cho người nộp thuế 9 triệu đồng hiện nay phải ở con số 20 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng, ban soạn thảo sửa đổi luật Thuế TNCN cho rằng giảm thu ngân sách, thế nhưng con số thực hiện chứng minh điều ngược lại. Chỉ tính riêng trong năm thay đổi mức giảm trừ này là 2013, số thu thuế TNCN cũng đã tăng thêm 1.500 tỉ đồng dù 6 tháng đầu năm tính theo mức giảm trừ cũ 4 triệu, 6 tháng cuối năm mới tăng lên 9 triệu đồng. Đó là chưa kể những năm sau đó, số thuế TNCN tăng khá mạnh, năm 2017 gần như gấp đôi năm 2013. |
Mai Phương