Vietstock - Thực thi EVFTA: Những mặt hàng chủ lực nào của Việt Nam thắng lớn?
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), khi EVFTA có hiệu lực, thủy sản, đồ gỗ và một số mặt hàng cây công nghiệp là 3 thế mạnh của ngành nông nghiệp.
* Ngành dệt may trước ngưỡng cửa EVFTA: Mừng và lo
* Khi nào hiệp định EVFTA có hiệu lực?
Thủy sản là 1 trong 3 mặt hàng có kim ngach xuất khẩu tỷ USD mỗi năm
|
Nhà đầu tư châu Âu quan tâm 3 nhân tố chủ chốt
Tại tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA” do báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 2/7, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Báo Hải quan cho biết: Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực. Đây là mốc đánh dấu kết thúc quá trình sau gần 10 năm kể từ khi chính thức khởi động đàm phán Hiệp định.
Theo bà Hồng, Hiệp định EVFTA được thực thi thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 đem lại, cùng với đó là xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang gia tăng và diễn biến phức tạp.
“Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa thực hiện Hiệp định”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng thông tin.
Cũng theo ông Tưởng, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 – 2033).
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi EVFTA có hiệu lực thực thi, mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) sau một lộ trình ngắn.
“Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay”, ông Tưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham, cho biết nhà đầu tư châu Âu hiện quan tâm đến 3 nhân tố chủ chốt của Việt Nam để thu hút đầu tư, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan.
“Khi vận động thông qua Hiệp định ở châu Âu, một trong những vấn đề mà Ủy ban châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu quan tâm hàng đầu là cam kết của Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động xuất nhập khẩu” – ông Nguyễn Hải Minh chia sẻ.
Nông nghiệp lợi thế lớn
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, EU là thị trường bậc cao. Nhiều dòng thuế liên quan sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu về 0 ngay lập tức.
Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, không phải tất cả đều “màu hồng”. Bởi chúng ta phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe cần phải có, cũng như cạnh tranh với các đối thủ lớn trong khu vực ASEAN như Thái Lan.
“Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin, chất lượng vệ sinh an toan thực phẩm, chống gian lận thương mại...”, ông Toản cho hay.
Lợi thế vào EU đối với nông nghiêp Việt Nam, theo ông Toản có thủy sản, đồ gỗ và một số mặt hàng cây công nghiệp là 3 thế mạnh.
“Thủy sản vào EU gần 1 tỷ USD/năm, chưa tương xứng với tổng kim ngạch XK; đồ gỗ là 1 tỷ/năm nhưng cũng chưa tương xứng tới 11 tỷ năm trước XK. Đồ gỗ có cú hích quan trọng là năm trước đã ký Hiệp định VPA với EU, cộng với EVFTA là cú hích lớn trong ngành lâm sản năm nay. Thủy sản thì trong nỗ lực chung Chính phủ, ngành đang tập trung khắc phục theo khuyến nghị của EU”, ông Toản cho biết.
Thời gian tới, theo ông Toản, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp 4.0.
“Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Đồng thời hỗ trợ DN trong xúc tiến thương mại, đầu tư...”, ông Toản cho biết thêm.
TUẤN NGUYỄN - MINH PHƯƠNG