Vietstock - Thống đốc NHNN: Tín dụng tăng trở lại, ngoại hối cao nhất từ trước tới nay
Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3.26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây, trong khi dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, thông tin về công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong 6 tháng đầu năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chủ động và linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, nhưng vẫn duy trì được kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh doanh.
Kết quả lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm ở mức 2.81% cho thấy điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt, góp phần duy trì mức lạm phát bình quân chung khoảng 4.19%. Đây là yếu tố quan trọng để tạo lập nền tảng và duy trì lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Đối với các giải pháp về lãi suất, trong 6 tháng đầu năm NHNN đã 2 lần liên tục giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1.5%; kết hợp với đó là chỉ đạo rất kiên quyết các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như giảm lương thưởng để giảm lãi suất cho vay. Vì vậy hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế kể cả các khoản vay hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới đã được giảm khá mạnh.
Về điều hành tỷ giá, theo Thống đốc, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá VNĐ diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0.2-0.3%, và chúng ta đã đạt mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Việc duy trì ổn định tỷ giá đã đóng góp rất quan trọng vào việc ổn định lạm phát.
“Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cũng như duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt đây cũng là yếu tố để chúng ta thu hút đầu tư góp phần phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới sau dịch”, Thống đốc lưu ý.
Về tín dụng, mặc dù nhu cầu tín dụng thời gian qua, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu nhưng đến nay tín dụng đã tăng trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3.26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1.13%; tháng 4 tăng 0.12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0.53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1.28%.
Ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng, vì vậy vừa qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân, để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Để hỗ trợ chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN với các giải pháp rất đột phá về cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, và trong thời gian cơ cấu lại nợ thì khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi và phí cũng như giảm lãi suất.
Đây là những giải pháp mạnh, cùng với đó NHNN đã tổ chức cho Ban lãnh đạo NHNN đến một loạt các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm, làm việc trực tiếp với các hiệp hội và các TCTD để lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và tháo gỡ ngay khó khăn thực tế.
Đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260,000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180,000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421,000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1.3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1.1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240,000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0.5-2.5%/năm so với trước dịch.
Ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng và NHNN khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD. Vừa qua làm việc với các địa phương và lắng nghe các kiến nghị, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng nêu rõ, kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng. NHNN chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này. |
Nhật Quang