Vietstock - Thêm quy định quản chợ mạng
Kiểm soát hoạt động bán hàng trực tuyến xuyên biên giới có thể giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định 52/2013/NĐ-CP với những quy định mở nhằm tạo điều kiện và kích thích thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mua - bán hàng online phát triển chóng mặt. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nhiệm vụ chủ trì sửa đổi nghị định này theo hướng tạo hành lang pháp lý và căn cứ cụ thể để kiểm soát hàng giả, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…
Xác thực danh tính người bán nước ngoài
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Bộ Công Thương cho biết lý do cơ quan soạn thảo đề xuất xem xét, bổ sung quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là dựa trên thực tiễn gần đây, nhiều sàn bán lẻ trực tuyến mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình TMĐT xuyên biên giới và được người tiêu dùng đặt mua. Ưu điểm của người bán nước ngoài là đem lại sự phong phú về nguồn hàng nhưng cũng phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng khi chủ thể không hiện diện ở Việt Nam.
"Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất làm rõ trách nhiệm của chủ sàn khi có người bán nước ngoài. Theo đó, chủ sàn có trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép những đối tượng này tham gia mua bán hàng hóa trên sàn. Quy định này cũng phù hợp với quy định về việc xác nhận danh tính của người bán nội địa trên sàn TMĐT" - đại diện Bộ Công Thương lý giải.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử ở Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài . Ảnh: TẤN THẠNH
|
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất quy định nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ một doanh nghiệp (DN) trở lên thuộc nhóm 5 DN có vị trí thống lĩnh thị trường TMĐT theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm DN có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan. Bộ Công Thương cho rằng đây là quy định thiết thực thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), một trong những đặc điểm của bán hàng trực tuyến là hàng hóa được đăng tải công khai, kể cả hàng vi phạm, khác với hoạt động bán "chui nhủi" truyền thống. "Đã phơi lên môi trường mạng như thế, vi phạm đã thể hiện rõ ràng thì cơ quan quản lý phải cho thấy quyết tâm quản lý và không thỏa hiệp với vấn đề đó (kinh doanh hàng vi phạm - PV). Nếu không có quy định chặt chẽ, vô hình trung chúng ta tiếp tay dung túng cho nó. Quy định cụ thể có thể tiếp tục bàn để hoàn thiện nhưng trước tiên phải có biện pháp" - bà Việt Anh nêu quan điểm.
Còn nhiều tranh cãi
Bày tỏ đồng tình với đề xuất của tổ soạn thảo, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững của L’Oréal Việt Nam - cho hay L’Oréal đã chuyển phần lớn giao dịch truyền thống sang TMĐT. Hoạt động này đóng tỉ trọng lớn trong kinh doanh của công ty nên nhãn hàng này rất quan tâm đến việc tạo môi trường TMĐT lành mạnh, hỗ trợ tốt nhất cho DN. "Một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trong trung tâm thương mại cần có giấy phép của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhưng bán trên sàn thì không có yêu cầu đó. Chúng tôi theo dõi thấy một người bán online có thể xuất 1.000 đơn hàng mỗi ngày không phải đóng thuế trong khi DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo việc làm và đóng thuế. Cạnh tranh như vậy có lành mạnh hay không? Đã đặt vấn đề tạo ra cạnh tranh lành mạnh thì phải lành mạnh, công bằng thực sự, làm lợi cho quốc gia chứ không chỉ chuyển thu nhập ra nước ngoài" - bà Trinh phân tích.
Cũng theo đại diện L’Oréal Việt Nam, việc minh bạch thông tin hàng hóa rất quan trọng, nhất là hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, DN kinh doanh sản phẩm có tác động đến sức khỏe phải chịu rất nhiều quy định về bảo đảm sức khỏe, trong khi người bán hàng xách tay trên mạng không cần đáp ứng chuyện đó. "Hậu quả là khi người tiêu dùng có vấn đề gì, họ chỉ biết đến tên nhãn hàng và cứ "nắm cổ" nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi để yêu cầu trả tiền khám sức khỏe" - bà Trinh chỉ ra thêm.
Ở góc độ sàn TMĐT, bà Lê Thị Thùy Trang, Phòng Pháp chế của Tiki, cho rằng bản chất của TMĐT là không biên giới nên dù muốn hay không, khi đã tham gia cuộc chơi này, chúng ta phải chấp nhận bản chất của nó. "Ngay như Trung Quốc cũng không khuyến khích người dân mua hàng nước ngoài nhưng họ vẫn tôn trọng bản chất của TMĐT và luật của họ thừa nhận chuyện bán hàng xuyên biên giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật như vậy. Hoạt động này xuất phát từ cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc người nước ngoài được phép bán hàng xuyên biên giới cho mục đích tiêu dùng cá nhân" - bà Trang nói và cho rằng quy định mới sẽ hạn chế phát triển bán hàng xuyên biên giới cũng như hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng với hàng hóa ở thị trường khác.
Về kiểm soát đầu tư nước ngoài, đại diện Tiki cho rằng đưa ra thêm quy định như trên là khoác lên vai nhà đầu tư rất nhiều giấy phép, thủ tục. Điều này rõ ràng ngăn cản hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và hạn chế sự phát triển của TMĐT, trong khi Chính phủ đã nêu rõ định hướng phát triển lĩnh vực này trong tương lai.
|
Phương Nhung