Investing.com – Bộ Xây dựng đã công bố thông tin ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV (HM:BID), Vietinbank (HM:CTG), Agribank, Vietcombank (HM:VCB)) có thêm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HM:TPB) (TPbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HM:VPB) (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (HM:MBB) (MBBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HM:TCB) (Techcombank) đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng nâng tổng số có 8 ngân hàng thương mại tham gia, với 140.000 tỷ đồng, theo Người Quan Sát.
Tính đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1699/BXD-QLN ngày 23/4/2024 hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo đó đã cắt giảm điều kiện được vay vốn của chủ đầu tư (cắt giảm điều kiện đã được cấp phép xây dựng, chỉ còn điều kiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư và đã được giao đất).
Tại Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ đã quyết nghị: triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND (HM:VND) bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 - 5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).
Được biết, ngày 2/8/2024, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 4408/BXD-QLN thống nhất với đề xuất nêu trên của Ngân hàng Nhà nước.