Vietstock - Tài sản doanh nghiệp, nhìn từ sức khỏe cá nhân
“Sức khỏe là vàng”, câu ngạn ngữ đó có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người nhưng với những nhà đầu tư có “con mắt tinh đời”, có một sự tương đồng khá thú vị giữa sức khỏe cá nhân và tài sản doanh nghiệp.
Thật vậy, nếu như những gì nạp vào cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của một cá nhân thì doanh nghiệp khi hấp thụ vốn cho hoạt động kinh doanh hay các dự án đầu tư phải biết duy trì những nguồn lực tài chính này một cách lành mạnh để từ đó tạo ra những giá trị mới về lâu về dài và vượt qua những biến động, thậm chí sóng gió trên thương trường.
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, chính những thời điểm khó khăn sẽ thử thách sức khỏe doanh nhân - doanh nghiệp, chỉ có những doanh nhân - doanh nghiệp nào đã trui rèn tính kỷ luật và có tầm nhìn xa mới có thể đứng vững. Và cũng như một người đi khám bác sĩ, doanh nghiệp sẽ chứng tỏ sức khỏe lành mạnh của mình qua những chỉ số tài chính cụ thể.
Bảng cân đối kế toán và chỉ số nợ
Hồ sơ sức khỏe tổng quát của doanh nghiệp chính là bảng cân đối kế toán (balance sheet), tức là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Thế nhưng, bảng cân đối kế toán không chỉ đơn thuần thể hiện tương quan giữa tài sản có và tài sản nợ mà cho thấy tính chất kinh tế cũng như những tham vọng của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Theo nhiều chuyên gia, việc duy trì một cách hợp lý tài sản nợ và vốn sở hữu là những chỉ báo quan trọng cho một bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp khỏe mạnh và điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư an tâm và tiếp tục rót vốn vào doanh nghiệp.
Chỉ có những doanh nhân - doanh nghiệp nào đã trui rèn tính kỷ luật và có tầm nhìn xa mới có thể đứng vững. Và cũng như một người đi khám bác sĩ, doanh nghiệp sẽ chứng tỏ sức khỏe lành mạnh của mình qua những chỉ số tài chính cụ thể. |
Nếu như đối với một cá nhân, chỉ số khối cơ thể hay nôm na là chỉ số cân nặng (BMI (HM:BMI)) sẽ cho biết liệu người này có nguy cơ béo phì hay không thì đối với doanh nghiệp, chỉ số nợ trên tài sản (debt-to-asset ratio) cũng sẽ đo lường mức độ mất cân đối giữa tổng số tiền doanh nghiệp phải trả so với tổng tài sản hiện có.
Tỷ lệ nợ trên tài sản thấp cho thấy cơ cấu tài chính mạnh mẽ và cân bằng, và nếu ngược lại thì rủi ro cao hơn vì tỷ lệ thu nhập của công ty lớn hơn là dành cho việc xử lý nợ, hay tăng trưởng của doanh nghiệp có được là nhờ nhận nợ nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chỉ riêng tỷ lệ nợ không thể hiện thế mạnh thực sự của doanh nghiệp bởi giá trị doanh nghiệp còn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của nó mạnh mẽ và lành mạnh đến mức nào.
Tỷ lệ nợ thấp với viễn cảnh lợi nhuận kém sẽ mang lại ít cơ hội cho doanh nghiệp nếu so với tỷ lệ nợ cao nhưng triển vọng tăng trưởng khả quan và khả năng sinh lời tốt. Nói cách khác, giá trị đồng nghĩa với hiệu quả tức là liệu doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận với nguồn lực hạn chế một cách bền vững.
Cấu trúc doanh nghiệp và dự trữ tiền mặt
Cũng giống như một người sở hữu một thể hình săn chắc sẽ có khả năng di chuyển dễ dàng và nhanh nhẹn, doanh nghiệp được tổ chức theo cấu trúc tinh gọn sẽ tập trung và nhanh chóng đạt hiệu quả trong hoạt động kinh doanh hơn.
Cấu trúc tinh gọn sẽ cho phép doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị khách hàng hơn trước nhờ sử dụng ít tài nguyên và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động cốt lõi so với các cấu trúc truyền thống. Nói vắn tắt, hiệu quả doanh nghiệp tăng lên và sẽ càng ít đi các hoạt động không tạo ra giá trị cộng thêm. Còn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có cấu trúc tinh gọn vẫn luôn hấp dẫn để từ đó nhanh chóng phát triển với lợi thế cạnh tranh bền vững.
Nếu với một cá nhân, muốn sức khỏe tốt phải uống trữ nhiều nước thì doanh nghiệp cần đủ tiền mặt để hoạt động. Dự trữ tiền mặt cho phép doanh nghiệp đáp ứng các khoản chi ngoài dự kiến và bất ngờ trong ngắn hạn và cũng đảm bảo tính thanh khoản cần thiết để tận dụng các cơ hội đầu tư tiềm năng có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nguyên tắc chung liên quan đến dự trữ tiền mặt là doanh nghiệp phải duy trì đủ lượng dự trữ có thể chi trả tối đa sáu tháng cho dòng tiền vốn lưu động; điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có quá nhiều dự trữ tiền mặt cũng là một lực cản vì điều đó có thể có nghĩa là doanh nghiệp đang bỏ lỡ các cơ hội đầu tư tiềm năng.
Thương hiệu doanh nghiệp và tính bền vững
Một cá nhân có sức khỏe tốt cũng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, được nhiều người biết đến. Trong bối cảnh phát triển của truyền thông xã hội, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều “ngôi sao” thu hút và tác động hàng triệu người theo dõi, mua các hàng hóa và sử dụng dịch vụ theo “thương hiệu” của mình.
Cũng như thế, tài sản thương hiệu mô tả giá trị của một thương hiệu dựa trên nhận thức và trải nghiệm tích lũy của người tiêu dùng với chính thương hiệu đó. Tài sản thương hiệu của doanh nghiệp là một tài sản vô hình cho phép nó không chỉ khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, mà còn tạo ra sự trung thành và ủng hộ thương hiệu mạnh mẽ giữa các cơ sở khách hàng của mình.
Cuối cùng, người có sức khỏe tốt là người có thể vận động thể dục thể thao thường xuyên còn doanh nghiệp khỏe mạnh là doanh nghiệp có khả năng duy trì hoạt động ổn định trong thời gian dài. Các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu đánh quả hay siêu lợi nhuận nhất thời sẽ khó lòng thuyết phục các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư khôn ngoan sẽ theo dõi tính ổn định trong kinh doanh của doanh nghiệp và sự lặp đi lặp lại của những thành tích tuy chưa lớn nhưng có tiềm năng tăng trưởng và ổn định.
Nói tóm lại, cũng như con người thường thích giao thiệp với những cá nhân sức khỏe tốt thì nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh, tỷ lệ nợ trên tài sản hợp lý, cấu trúc tinh gọn, dự trữ tiền mặt đủ và vốn chủ sở hữu thương hiệu cao. Bởi lẽ doanh nghiệp càng khỏe mạnh thì xác suất và khả năng phát triển tài sản của nhà đầu tư trong đó ngày càng lớn.
Lê Hữu Huy