Vietstock - Sửa biểu giá điện sinh hoạt, quyết định mới từ Bộ Công Thương
Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay.
Lùi sửa biểu giá điện sinh hoạt vì dịch Covid-19
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, nội dung liên quan đến nguồn điện, giá điện cũng được Bộ này đề cập cụ thể.
Liên quan đến vấn đề sửa đổi quy định về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, Bộ Công Thương cho biết sau một thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến, đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị.
Bộ Công Thương đã tổng hợp ý kiến đầy đủ của các đơn vị và hoàn chỉnh các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, đến ngày 31/3, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo Phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay. Lý do là Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19, chống dịch Covid-19.
Tác động của phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt
|
“Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, khi xây dựng các kịch bản cho biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề nghị lấy phương án giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành). Trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101-200 kWh; bậc 3 mới từ 201-400 kWh; bậc 4 mới từ 401-700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Bộ Công Thương cho biết: Kịch bản 1 có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.
Ngăn tình trạng quá tải lưới điện mặt trời
Cập nhật tình hình phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Đến nay, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương) khoảng 15.800 MW (điện gió 4.700 MW; điện mặt trời 11.200 MW).
Trong đó, có 100 dự án điện năng lượng tái tạo với tổng công suất là 5.120 MW được đưa vào vận hành (91 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.680 MW và 10 nhà máy điện gió với tổng công suất 440 MW). Trong số 91 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.680 MW đã vận hành tập trung mật độ lớn tại các tỉnh Ninh Thuận (1.102 MW) và Bình Thuận (995 MW).
Điện mặt trời, điện gió hút nhà đầu tư tư nhân, nhưng đối mặt tình trạng quá tải lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Ảnh: Lương Bằng
|
Ngày 19/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió với công suất khoảng 7.000 MW.
Trước tình trạng quá tải lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bộ Công Thương cho biết đã trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Phê duyệt danh mục các công trình lưới 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực; Thường xuyên đôn đốc EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các Nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận và lân cận.
Ngoài ra, công tác lập Quy hoạch điện VIII đang được nghiên cứu thực hiện khẩn trương, trong đó quy mô và tiến độ của nguồn và lưới điện sẽ được thực hiện đồng bộ.
Để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ với phát triển nguồn điện, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực nội dung nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.
Về lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương cho biết đang khẩn trương thực hiện lập Quy hoạch điện VIII, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII vào cuối năm 2020. |
Lương Bằng