Vietstock - Sợ trách nhiệm rồi cứ để mặc doanh nghiệp chết dần sao!
Hơn một tuần sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vẫn gần như kẹt cứng.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang căng thẳng vì thiếu lao động do làn sóng công nhân bỏ về quê, số lao động còn lại thì không ít người lại không thể quay lại nơi làm việc do hạn chế đi lại liên tỉnh hoặc đang mắc kẹt ở địa phương khác, thì khó có thể nói đến chuyện phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước đó, vào ngày 30-9-2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 1740 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và đường hàng không bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Quyết định 1740 đưa ra các hướng dẫn khá linh hoạt và phù hợp với tinh thần sống chung với Covid-19 khi đưa ra yêu cầu về đánh giá cấp độ dịch (để làm căn cứ áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách) theo quy mô cấp xã và có thể quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm.
Cũng theo quyết định này, chỉ dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng ở địa phương/vùng có nguy cơ dịch bệnh rất cao (trừ taxi và xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn cách); các cảng hàng không, nhà ga đường sắt thì vẫn được hoạt động, đương nhiên là kèm điều kiện.
Hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải mở là vậy, tuy nhiên hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn không thể khai thông.
Đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, một số đường bay đã được mở lại từ ngày 10-10. Hà Nội ban đầu cương quyết đóng cửa sân bay Nội Bài đối với hành khách – một trong hai đầu mối giao thông hàng không quan trọng nhất của Việt Nam. Địa phương này chỉ chấp nhận cho mở lại hai đường bay đi và đến TPHCM và Đà Nẵng, trong đó đường bay đến TPHCM chỉ khai thác một chuyến khứ hồi một ngày. Cần biết rằng mặc dù sân bay này nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng không phải của Hà Nội.
Điều đáng nói là dù trong Quyết định 1740 Bộ Giao thông Vận tải đã hướng dẫn rất cụ thể về quy mô đánh giá cấp độ dịch theo cấp xã và có thể quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm, nhưng rất nhiều tỉnh, thành phố vẫn chỉ dựa vào đánh giá theo cấp tỉnh, để từ đó ngăn cấm hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.
Trả lời báo Giao thông về hiện trạng trên, đại diện Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nhiều địa phương có tâm ý lo ngại khi mở hoạt động vận tải sẽ bùng dịch trở lại và sợ chịu trách nhiệm.
Sau hơn bốn tháng phong tỏa, giãn cách để chống dịch, số phận của hàng chục ngàn doanh nghiệp giờ đây đã như chỉ mành treo chuông, sức lực của hàng triệu hộ gia đình người lao động cũng đã bị bào mòn đến cạn kiệt. Trước tình thế đó, và với thực tế là con người sẽ không thể loại trừ hết được Covid-19, ít nhất là trong vài năm tới, nên từ đầu tháng 10 Chính phủ đã quyết định chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19.
Quan điểm này cũng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa 13. Ông nói rằng, thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối, do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.
Những thiệt hại cũng như tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, được Tổng bí thư nêu ra như: kinh tế quí 3 giảm 6,17%; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể; nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô… càng cho thấy việc linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh, chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19 để khôi phục kinh tế là yêu cầu rất cấp bách.
Thế nhưng, chủ trương này của Đảng và Chính phủ lại đang vấp phải một sức cản vô cùng lớn do căn bệnh “sợ chịu trách nhiệm” của lãnh đạo ở không ít địa phương.
Từ trước tới nay, Đảng và Chính phủ luôn đề cao những cán bộ vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp mà “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Thế nên, với những người mà chỉ lo giữ “ghế”, vì sợ chịu trách nhiệm mà lạnh lùng trước sự sống chết của doanh nghiệp, nỗi khổ của người dân cũng như những rủi ro rất lớn mà nền kinh tế nước nhà đang đối mặt thì không xứng đáng được trọng dụng.
Tấn Đức