Trong suốt chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm, đạt hơn 11,958 triệu tỷ đồng.
Theo đó, ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối.
Trong khi đó, các nhà băng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi.
Cụ thể, tính tới 21/12, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,99% so với đầu năm. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.
Như vậy, dư nợ tín dụng đã lần đầu vượt tiền gửi sau 10 năm. Trong suốt chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Lần gần nhất, huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào 2012.
Tình trạng cho vay ra nhiều hơn tiền gửi khiến năng lực vốn và thanh khoản của các ngân hàng bị ảnh hưởng.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý 3/2022 cho thấy, tỷ lệ LDR thuần (dư nợ cho vay/tiền gửi khách hàng) tại nhiều ngân hàng vào cuối tháng 9 đã vượt ngưỡng 100% như MSB, Techcombank (HM:TCB), VIB (HM:VIB), HDBank (HM:HDB) hay VPBank (HM:VPB).