Giới quan sát thị trường cho rằng, áp lực Fed tăng lãi suất vẫn còn song tốc độ tăng có thế sẽ giảm dần khi một số tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Cách đây hơn một tuần, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết “… lãi suất có thể lên cao hơn”. Tuy nhiên, tin tốt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2/2023, thấp so với mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 1/2023. Tính theo năm, CPI tháng 2 là 6,4%, thấp so với mức tăng hàng năm.
FED tăng lãi suất, áp lực đè nặng lên đồng USD
Việc Fed dự tăng lãi suất không chỉ liên quan đến báo cáo việc làm và báo cáo lạm phát mới nhất mà còn liên quan đến các cuộc khủng hoảng gần đây của hai ngân hàng Mỹ - Silicon Valley Bank ở California và Signature Bank ở New York. Và điều này vẫn gây áp lực lên US Dollar Index.
Một khoản vốn khổng lồ với cam kết trị giá 30 tỷ USD được tài trợ bởi 11 ngân hàng lớn của Mỹ sẽ được gửi vào Ngân hàng First Republic. Các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang hoan nghênh sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng lớn này vì xác nhận khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng ở Mỹ.
Áp lực tăng lãi suất vẫn còn nhưng tốc độ tăng có thế sẽ giảm đi. Sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất USD đã lên tới 4,5 - 4,75%, cao nhất trong vòng 40 năm, làm cho một số ngân hàng Mỹ phá sản, tỷ giá chao đảo khắp nơi.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) phiên 17/3/2023 ghi nhận ở mức 103,74 điểm - giảm 0,34%.
Đồng hành cùng Fed, Ngân hàng trung ương (ECB) đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử và Fed cũng tăng lãi suất nhanh nhất trong bốn thập kỷ để kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ nợ của Chính phủ Mỹ cao hơn so với các quốc gia khác cũng như có một nền kinh tế tương đối mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đồng USD.
Tỷ giá USD trong nước giảm nhẹ
Tính đến ngày 13/3/2023, DXY giảm xuống còn 104,0 điểm, giảm 1,3% so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện SVB. Chỉ số DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,1% so với đầu năm xuống 23.612 VND/USD.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần hồi phục sau dịch Covid, nhu cầu vốn, nhu cầu sử dụng ngoại tệ cho đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư thiết bị hàng hóa được luôn được các doanh nghiệp quan tâm và coi trọng.
Việc giảm lãi suất điều hành và tỷ giá ngoại tệ đang có phần “hạ nhiệt” vào thời điểm này được đánh giá động thái tích cực, hết sức kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sáng 17/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.620 đồng - giảm 2 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.450 VND/USD ở chiều mua vào và 24.780 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, như sau:
Tỷ giá Vietcombank (HM:VCB) niêm yết ở mức 23.380 đồng/USD (mua vào) – 23.750 đồng/USD (bán ra), giảm 30 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 23.400 đồng/USD (mua vào) – 23.740 đồng/USD (bán ra), tăng 40 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV (HM:BID) niêm yết tỷ giá ở mức 23.430 đồng/USD (mua vào) – 23.730 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.