Investing.com -- Công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm nay với khoảng 416 triệu kW, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện của thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 11 tổng công suất đặt nguồn điện, đã được công nhận vận hành thương mại của hệ thống điện quốc gia, bao gồm nguồn điện mặt trời mái nhà đã đạt gần 83.800MW. Trong đó, loại hình nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 32,8%, tiếp đến là thủy điện với 27,7% và năng lượng tái tạo là hơn 27%.
Tuy công suất lắp đặt của điện năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể tuy nhiên, thực tế công suất phát của loại hình năng lượng sạch này mới chỉ chiếm 12,5%, thấp hơn rất nhiều so với nhiệt điện than và thủy điện.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì có nhiều giải pháp đã được đưa ra như: không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 và các nhà máy điện khí sau năm 2035 để bảo đảm giảm phát thải carbon.
Và để đáp ứng nhu cầu này cũng như đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần một nguồn điện nền ổn định. Bởi theo tính toán nếu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 10%, thì sản lượng điện phải tăng 15% và nếu hình thành các trung tâm dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số thì sản lượng điện có thể phải tăng đến 20%. Do đó, việc triển khai dự án điện hạt nhân được xem là giải pháp để cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Điện hạt nhân đã từng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng sau đó lại tạm dừng vào năm 2016 vì nhiều thách thức, trở ngại. Nhưng đến thời điểm này khi triển khai phát triển loại hình năng lượng sạch này thì Việt Nam sẽ có những thuận lợi nhất định cả về nhân sự cũng như việc lựa chọn công nghệ phù hợp.
"Chúng ta đã làm rất nhiều việc rồi. Bây giờ nếu có cơ hội quay lại những việc đó, tôi nghĩ đội ngũ cán bộ, kỹ sư, các nhà quản lý cũng đang rất sẵn để chúng ta có thể quay lại", ông Trần Anh Thái - Nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Điện hạt nhân hiện nay người ta băn khoăn chỉ có một là an toàn thì với công nghệ thế hệ III+ và thế hệ IV tôi tin là mức độ an toàn có thể được khắc phục. Vấn đề thứ 2 là xử lý chất thải phóng xạ thì đến hiện nay công nghệ xử lý chất thải phóng xạ đã có thể yên tâm được".
Theo tính toán của các chuyên gia thời gian nghiên cứu, triển khai và đầu tư xây dựng để một nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động là khoảng 10 năm. Và để phát huy ưu điểm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, đảm bảo nguồn điện nền thì điện hạt nhân phải chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống. Ngoài ra, việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp cũng đang cần được tính đến.
TS. Nguyễn Thành Sơn - Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng cho hay: "Thế giới bây giờ quay trở lại điện hạt nhân và quay lại với những tổ máy nhỏ 300 hoặc 50MW. Tôi quan niệm 50MW chứ chưa đến là 300MW. Chính như thế là cái để chúng ta đà tạo".
Lịch sử phát triển các cường quốc trên thế giới cho thấy phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra bước đột phá về khoa học công nghệ. Theo tính toán, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm nay với khoảng 416 triệu kW, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện của thế giới. Và đến nay, có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu hoạt động tại hơn 30 quốc gia.