Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã báo cáo trước Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2023 cũng như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn như bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề, nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.
Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được triển khai và đạt kết quả bước đầu.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tài chính của VDB đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ xấu có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.
Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử |
Lỗ lũy kế và nợ quá hạn là những vấn đề đau đầu nhiều năm nay của VDB. Ngân hàng bắt đầu lỗ từ năm 2013 và trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021, lỗ lũy kế của VDB liên tục tăng nhanh, cán mốc gần 8.000 tỷ đồng cuối năm 2021.
Cùng vào cuối năm này, theo Báo Đầu tư, tổng dư nợ cho vay xuất khẩu của ngân hàng là 3.251 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đầu tư (trung, dài hạn) là 54.780 tỷ đồng, thì trong đó nợ quá hạn chiếm hơn 40% (hơn 22.100 tỷ đồng). Trong đó, có nhiều khoản nợ có nguy cơ cân đối tài chính. Riêng hoạt động cho vay lại ODA có dư nợ lớn nhất, nợ xấu thấp (hơn 2%).
Tổng nợ quá hạn của VDB cuối năm 2021 là trên 13%.
Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 28/10/2023 về phê duyệt “Phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023-2027” (Quyết định 90) và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước (Nghị định 78).
Đây là bước ngoặt lớn để VDB có cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện cơ cấu lại toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân sự, quản trị tài chính..., tập trung mọi nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt, nhất là cho vay mới tín dụng đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trong năm 2023, ngân hàng đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023 - 2027 và ban hành các văn bản khung pháp lý hoạt động của VDB.
VDB đã triển khai thực hiện được nhiều công việc theo kế hoạch đặt ra, cũng như các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, VDB đã khẩn trương rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy quản trị, nguồn nhân lực theo hướng khoa học, tinh gọn, hiệu quả, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các sở giao dịch, chi nhánh và các đơn vị tại trụ sở chính để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại VDB trong tình hình mới; tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị nội bộ, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình nghiệp vụ để sẵn sàng ban hành phù hợp với định hướng cơ cấu lại của VDB; nghiên cứu, xây dựng cơ chế tiền lương phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại.
>> Thiếu pháp lý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chưa thể dùng hơn 7.000 tỷ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu