Vietstock - Ngăn chặn giả mạo hàng Việt
Không thể để Việt Nam thành nơi trung chuyển, tiếp tay cho gian lận thương mại. Phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng với sản phẩm được tiêu thụ trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia trước những sản phẩm giả mạo hàng Việt Nam để xuất khẩu.
* Chặn kho nhôm khổng lồ 4,3 tỷ USD của Trung Quốc 'đội lốt'
Một trong nhiều kho nhôm do Công ty nhôm Toàn Cầu nhập về lưu giữ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào giữa năm 2017 - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Không để VN trở thành quốc gia trung chuyển, tiếp tay cho gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Ông Nguyễn Văn Cẩn (tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) |
Ông Nguyễn Văn Cẩn - tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những giải pháp mà các cơ quan chức năng đang triển khai nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan đang kiểm tra, xác minh, điều tra một loạt vụ việc về các đối tượng, các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu vi phạm giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước trong thời gian qua.
Nhiều nhóm hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam
Chẳng hạn, cơ quan hải quan đang tạm giữ 10 container xe đạp nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam tại Bình Dương. Kiểm tra thực tế và hồ sơ của DN cho thấy gần như 100% lô xe đạp này được nhập từ nước ngoài, thậm chí nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam để lắp ráp và gắn xuất xứ hàng Việt Nam.
"Tổng cục Hải quan sẽ cùng với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân làm rõ hành vi sai phạm của DN" - ông Cẩn cho biết.
Tại cảng Hải Phòng, cơ quan hải quan đang tạm giữ hàng chục container máy móc thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn gia công lắp ráp đơn giản rồi gắn mác "made in Việt Nam".
Ngoài ra, tại các cảng như TP.HCM (HM:HCM), Bình Dương và Hải Phòng, cơ quan hải quan cũng phát hiện nhiều container hàng thành phẩm được sản xuất ở nước ngoài (gồm quần áo, giày, linh kiện điện tử...) nhưng ghi sẵn nhãn hiệu trong nước để tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Cũng theo ông Cẩn, cơ quan hải quan cũng đã điều tra xong và sớm kết luận đối với nhóm DN nhập/xuất khẩu gỗ ván ép sản xuất tại Việt Nam có kê khai và được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp giấy chứng nhận C/O hàng Việt Nam để xuất đi Mỹ và một số thị trường, nhưng xác minh hồ sơ DN khai báo và kiểm tra thực tế cho thấy DN khai báo không chính xác.
Đây là những DN có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép tăng bất thường. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, DN khai là mua gỗ của nông trường A, của hộ ông C, gia đình bà B... để sản xuất rồi xuất khẩu. Nhưng khi hải quan đi xác minh, người được DN khai là bán gỗ cho DN lại không có gỗ bán. Nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép như là lán trại. Do đó, theo ông Cẩn, cơ quan hải quan sẽ bác C/O của DN.
Trước đó, cơ quan hải quan Việt Nam đã phối hợp với hải quan Mỹ ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam, trước khi số nhôm này được xuất sang Mỹ với xuất xứ hàng Việt Nam.
"Việc giả mạo nhôm Việt để xuất khẩu sang Mỹ nhằm hưởng thuế suất ưu đãi bởi nhôm Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ chịu thuế 15%, còn nhôm Trung Quốc xuất sang thị trường này phải chịu thuế đến... 374%!" - ông Cẩn nói.
Đó là trường hợp của Công ty Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu), có dây chuyền sản xuất nhưng nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm để xuất khẩu nhôm sang Mỹ và một số thị trường khác.
Theo ông Cẩn, phía hải quan Mỹ khẳng định ngay cả DN dùng thủ đoạn nhập nhôm các loại rồi đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi sau đó cán ra thành nhôm thanh cũng không đảm bảo xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất hàng vào Mỹ.
Nằm trong tầm ngắm bị điều tra phòng vệ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay vụ việc gian lận xuất xứ với mặt hàng nhôm được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, giám sát từ năm 2017.
Đến nay, khối lượng nhôm này vẫn được DN lưu trữ ở kho ngoại quan. Để đảm bảo không có hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và VCCI thường xuyên giám sát, kiểm tra.
"Với những trường hợp này, các cơ quan Việt Nam kiểm tra, giám sát chặt chẽ, yêu cầu có báo cáo hằng tuần về hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm công ty để có giám sát kỹ. Khi DN xin C/O cũng sẽ được kiểm tra kỹ, gắn với giám sát hoạt động xuất nhập khẩu rất kỹ lưỡng" - vị này cho biết.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, tình trạng gian lận xuất xứ đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Không chỉ với mặt hàng nhôm mà nhiều mặt hàng khác, điển hình như gỗ dán, xe đạp... khi có thông tin nghi vấn có bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan quản lý cũng kiểm tra kỹ và có giám sát.
Chẳng hạn giữa tháng 10-2019, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo với 25 mặt hàng (tăng hơn so với 13 mặt hàng hồi tháng 8) xuất sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Canada... có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, với các mặt hàng nằm trong danh sách cảnh báo, cơ quan này đều thông báo ngay cho Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, VCCI để lưu ý và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cũng theo vị này, giải pháp chống gian lận xuất xứ được triển khai thực hiện theo đề án, đồng thời tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hải quan đối với mặt hàng được kiểm soát, tăng cường kiểm tra thực địa đối với trường hợp có nghi vấn và hoạt động xuất nhập khẩu tăng đột xuất.
Trong đó, hải quan cần cung cấp số liệu cho cơ quan liên quan, kiểm tra thực tế khi hàng hóa qua cửa khẩu là giải pháp rất quan trọng. "Cần phải tăng cường trao đổi thông tin số liệu để xây dựng danh mục cảnh báo, có giải pháp phù hợp với hàng nghìn mặt hàng xuất nhập khẩu..." - vị này nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Bộ Công thương và VCCI cần kết nối thông tin với cơ quan hải quan và cơ quan thuế để có đủ thông tin trước khi cấp C/O cho DN.
"Việc phối hợp giữa cơ quan hải quan, ngành công thương, VCCI, Bộ KH-CN... để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng nếu như sản phẩm được tiêu thụ trong nước, và đảm bảo lợi ích của quốc gia nếu sản phẩm đó giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu..." - ông Cẩn nói.
Danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại Trong tháng 10-2019, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã công bố danh sách 25 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, tăng 12 mặt hàng so với danh sách được công bố vào tháng 8-2019. Các mặt hàng nằm trong danh sách này gồm: gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn (2 mã HS), vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, ruybăng trang trí, thép tiền chế, ống cơ khí bằng thép và hợp kim lạnh, lá nhôm, ghim đóng thùng, gluconate natri, phụ kiện rèn bằng thép, tấm nhôm hợp kim thông dụng, dây thun, ống hàn đường kính lớn, bánh xe thép, glycine, xilanh propane thép. |
"VCCI chưa bao giờ nói Asanzo đúng hay sai" Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), đơn vị từng có văn bản về ghi nhãn hàng hóa của Asanzo - khẳng định "VCCI chưa bao giờ nói đến việc Asanzo đúng hay sai cả", mà chỉ đưa ra kết luận trên quan điểm là quy tắc xuất xứ sản phẩm. Theo bà Hương, quy định về quy tắc xuất xứ không chỉ dựa trên tỉ lệ phần trăm mà còn dựa trên quy tắc về chuyển đổi mã HS. "Nếu sản phẩm đáp ứng được mã HS của nguyên liệu đầu vào khác với mã HS của nguyên liệu thành phẩm, vượt qua được công đoạn gia công đơn giản, làm thay đổi bản chất sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới với tính năng mới, đặc trưng mới... thì mới đáp ứng yêu cầu xuất xứ" - bà Hương nói, đồng thời khẳng định VCCI không cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp này xuất khẩu. |
LÊ THANH - NGỌC AN