Giá vàng trải qua một tuần biến động rất mạnh, tăng vọt lên vùng đỉnh rồi quay đầu lao dốc trong bối cảnh Mỹ phát tín hiệu chính sách tiền tệ rõ ràng hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những động thái ổn định thị trường vàng trong nước. Tài chính Ngân hàngNếu xóa độc quyền vàng miếng, đã hết lý do để giá vàng trụ vững trên đỉnh?Mạnh Hà • 23/03/2024 06:29Giá vàng trải qua một tuần biến động rất mạnh, tăng vọt lên vùng đỉnh rồi quay đầu lao dốc trong bối cảnh Mỹ phát tín hiệu chính sách tiền tệ rõ ràng hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những động thái ổn định thị trường vàng trong nước.
Một tuần biến động mạnh
Tới cuối giờ chiều 22/3, giá vàng miếng SJC đã rớt xuống dưới ngưỡng 80 triệu đồng/lượng. Vàng SJC mất 2 triệu đồng trong hai phiên liên tiếp. Giá vàng nhẫn cũng không duy trì được lợi thế, quay đầu giảm và mất mốc 70 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm theo một đợt điều chỉnh sau khi giá vàng quốc tế tăng vọt lên đỉnh lịch sử. Bên cạnh đó, động thái đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nỗ lực ổn định thị trường vàng đã đẩy giá vàng miếng SJC trong nước xuống sâu.
Cụ thể, trong phiên sáng 21/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới vọt lên đỉnh lịch sử: trên ngưỡng 2.200 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ lãi suất điều hành ở mức 5,25-5,5% nhưng dự kiến vẫn cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Mặc dù vậy, thị trường vàng trong nước lại biến động theo chiều ngược lại. Giá vàng trong nước giảm sâu sau khi có thông tin NHNN đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Đồng thời, Bộ Công an đã có báo cáo về lĩnh vực vàng lên Chính phủ và sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực này.
Những thông tin đó ngay lập tức khiến hoạt động bán vàng ở thị trường trong nước giảm mạnh. Chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới chỉ còn 14,2 triệu đồng/lượng, so với mức chênh 16,2 triệu đồng/lượng trước đó (tính theo tỷ giá ngân hàng).
Trong phiên 21/3, giá vàng miếng SJC giảm tới cả triệu đồng/lượng dù giá thế giới leo lên đỉnh cao chưa từng có. Nếu mức chênh vẫn giữ trên 16 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã có thể đạt kỷ lục mới 83 triệu đồng/lượng.
Trong phiên tiếp theo, ngày 22/3, giá vàng SJC giảm thêm 1 triệu đồng/lượng xuống dưới ngưỡng 80 triệu đồng/lượng khi giá thế giới điều chỉnh giảm về mức 2.166 USD/ounce.
Giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước giảm mạnh. Ảnh: HHGiá vàng trong nước có tiếp tục giảm sâu?
Câu hỏi được đặt ra là: liệu giá vàng miếng SJC trong nước có tiếp tục giảm sâu trong tuần tới, nếu có thì mức giảm đến đâu?
Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, việc giá vàng có giảm sâu hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trước tiên, đó là diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế.
Những tín hiệu ôn hòa hơn từ Fed trong cuộc họp vừa diễn ra cho thấy Mỹ sẽ không mạo hiểm trì hoãn quá lâu việc không giảm lãi suất. Nền kinh tế Mỹ gần đây có nhiều tín hiệu tích cực với khả năng hạ cánh mềm tăng lên khá cao. Tuy nhiên, sẽ là rất rủi ro nếu Fed giữ lãi suất ở mức đỉnh cao trong 23 năm qua lâu dài thêm nữa.
Trường hợp Fed cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024 và nước Mỹ bước vào chu kỳ giảm lãi suất, đồng USD có thể sẽ suy yếu nhanh chóng, qua đó tác động tích cực tới nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng. Bất ổn địa chính trị và hoạt động bổ sung vàng của ngân hàng trung ương nhiều nước có thể khiến giá vàng thế giới chinh phục đỉnh cao mới.
Kỳ vọng là như vậy nhưng đây là câu chuyện của nhiều tháng tới. Đồng USD hiện tại vẫn là một lựa chọn khi mà thế giới đối mặt với nhiều bất ổn và Fed chưa có hành động cụ thể. Sau khi giảm sâu sau tín hiệu chính sách bớt diều hâu hơn của Fed, đồng USD trong phiên 22/3 đã tăng trở lại.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt - trong phiên cuối tuần 22/3 đã tăng lên trên 104,3 điểm sau khi giảm xuống ngưỡng 103,3 điểm trong phiên 21/3 - khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có những phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ.
Tại thị trường trong nước, yếu tố tác động đến giá vàng miếng SJC cũng như vàng nhẫn là các biện pháp tăng cung, giảm cầu vàng vật chất của NHNN nhằm ổn định thị trường vàng, kéo chênh lệch so với giá thế giới xuống mức thấp hơn.
Tuy nhiên, mức chênh lệch giảm từ 16 xuống 14 triệu đồng/lượng (ngày 21/3) vẫn được xem là khá khiêm tốn và không được kéo xuống nữa trong phiên tiếp theo (ngày 22/3).
Giới đầu tư đang chờ động thái tiếp theo của NHNN về việc bổ sung, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, với việc có thể cho nhập khẩu để tăng nguồn cung.
Tuy nhiên, dường như NHNN chưa thực hiện giải pháp này trước thời điểm quý 3 năm 2024 bởi tỷ giá USD/VND vẫn khá nóng, tới cuối ngày 22/3 vẫn đang ở mức cao kỷ lục trên hệ thống ngân hàng: 24.950 đồng/USD (giá bán ra tại Vietcombank (HM:VCB)).
Trong công điện hôm 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN và các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu không để tình trạng thị trường vàng tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh tiền tệ quốc gia.
Việc giữ ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên cao trong hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô của bất cứ chính phủ nào trên thế giới.
Vàng SJC rớt giá mạnh, điều gì đang xảy ra?