Vietstock - Năm đặc biệt, đặt mục tiêu kép, đạt thành tích kép
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong năm 2020 rất đặc biệt với dịch bệnh COVID-19 và mưa lũ, thiên tai lịch sử, thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép, chỉ đạo điều hành kịp thời trước những tình thế cấp bách, để lại những bài học vô cùng quý giá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận.
|
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Bên cạnh ý kiến tranh luận về các công trình thủy điện, đại biểu Quốc hội đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Đại biểu Trần Quang Triều (tỉnh Nam Định) khẳng định vượt qua rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép chúng ta đã đạt được thành tích kép.
Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, các kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được rất tích cực khi Việt Nam là số ít nước đạt mức tăng trưởng dương, quy mô GDP đứng thứ tư ASEAN, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định…
Về nhiệm vụ, giải pháp của năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Lê Thanh Vân nêu 5 vấn đề cần lưu ý. Trong đó, cần phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ, Chính phủ cần tổ chức lại với một bộ máy tinh gọn cho phù hợp với biến đổi của thời cuộc.
Đại biểu cũng nêu vấn đề về chiến lược về thu hút, trọng dụng nhân tài; bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu.
Đại biểu đề xuất cần nghiên cứu để ban hành một loạt chính sách ưu đãi mở đường cho một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để có những sản phẩm khoa học công nghệ kích nổ cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Chỉ có công nghệ mới thay đổi diện mạo của đất nước.
Cuối cùng, Chính phủ cần rà soát lại các quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức để chuyển hóa thành các quan hệ xã hội điều chỉnh bằng pháp luật nhằm ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội, về văn hóa xã hội, văn hóa truyền thống.
Muôn vàn khó khăn do nhân tai và thiên tai
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025. Để đánh giá chính xác những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội 5 năm qua, ông cho rằng, nên chia thành hai thời điểm: thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 và đánh giá riêng của năm COVID-19.
Cụ thể, trước COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6.8%, tức đạt được ở mức cao của giai đoạn 5 năm, trong khi chỉ số CPI đã giảm từ 18.6% vào đầu năm 2011 xuống còn 4%; cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục dương; tỷ lệ bội chi ngân sách cũng đã giảm sâu từ 5.4% xuống 3.5%, kéo được nợ công từ mức sát kịch trần xuống 55% vào năm 2019.
Riêng năm 2020 là năm COVID-19, với quan điểm chỉ đạo là chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Kết quả đạt được là chúng ta đã làm cho thế giới phải ngưỡng mộ về thành công trong phòng, chống dịch cũng như là nước dẫn đầu trong khu vực về tăng trưởng kinh tế và cũng là một ngôi sao sáng của thế giới về mức tăng trưởng kinh tế dương.
Trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn từ nhân tai như thảm họa môi trường Formosa đến thiên tai như hạn hán, sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, bão lụt , lở đất hoành hành ở tỉnh miền Trung đến dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch COVID-19; bối cảnh bất lợi của kinh tế thế giới do chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ thương mại, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu… nhưng chúng ta vẫn đạt được thành tựu nêu trên. Điều đó cho phép chúng ta có quyền ước mơ khát vọng phồn vinh, trở thành nước công nghiệp hiện đại, nước phát triển...
Theo kinh nghiệm của các nước đã cất cánh trở thành “con rồng châu Á” thì phải có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt 10%/năm dựa vào đầu tư đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ và trụ cột là phát triển các tập đoàn lớn, đặt trụ cột trong chuỗi giá trị cung ứng. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 2021 - 2025, cần phải chú ý một số điểm.
Thứ nhất, phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.
Thứ hai, cần ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta mới có khả năng đặt chân vào khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra được mức tăng trưởng đột phá.
Thứ ba, phải huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển. Kinh nghiệm các nước phát triển trải qua giai đoạn thành công cho thấy, vấn đề không phải là Chính phủ tìm cách để hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu là làm thế nào để quản lý nợ công có hiệu quả, sử dụng hiệu quả đồng vốn để cho kết quả tốt nhất.
Nhật Quang