Vietstock - Mở nửa vời, doanh nghiệp cũng khốn khổ
Không chỉ người dân mắc kẹt, hàng rào quy định ngặt nghèo, yêu cầu giãn cách quá thận trọng còn khiến hoạt động của các doanh nghiệp ngành hàng không trở nên vô cùng khó khăn.
Loạt chuyến bay bị hủy vì “ế” khách ?
Từ ngày 10.10, ngành hàng không chính thức khai thác trở lại 19 đường bay nội địa sau thời gian dài “đóng cửa bầu trời” chống dịch. Chưa kịp háo hức đón những hành khách đầu tiên, suốt những ngày đầu thí điểm vừa qua, các hãng hàng không liên tục “méo mặt” khi hàng loạt chuyến bay phải hủy, không thể thực hiện được.
Quan trọng nhất là tính đồng bộ. Bộ GTVT nên chỉ đạo thống nhất quy định về điều kiện đối với hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không cũng như đường sắt, đường bộ, áp dụng chung trong toàn quốc. Mở nửa vời, chỗ này mở, chỗ kia đóng thì ách tắc vẫn sẽ xảy ra. Ông Bùi Doãn Nề |
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong ngày đầu thí điểm, các hãng đã thực hiện 11 chuyến bay (có giãn cách ghế), hủy 27 chuyến. Bên cạnh các chặng bay đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng phải hủy vì lý do thời tiết mưa bão thì có các chuyến bay trên chặng TP.HCM - Hà Nội, chặng TP.HCM - Thừa Thiên-Huế không thực hiện được do các quy định về cách ly, đón người về từ TP.HCM của 2 địa phương này chưa thống nhất. Ngoài ra, một số chuyến bay bị hủy do không kịp mở bán vé như chặng TP.HCM - Phú Yên, TP.HCM - Gia Lai, Đà Nẵng - Cần Thơ, Đà Nẵng - Đắk Lắk; vài chuyến bay khác bị hủy do không có khách.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã phải ra công điện khẩn yêu cầu chấn chỉnh một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa vận tải hành khách hàng không. Sau khi một số địa phương có sự điều chỉnh quy định cách ly cho phù hợp với thực tế, đến ngày 12.10, Cục Hàng không vẫn ghi nhận 9 chuyến bay khứ hồi không thực hiện được. Dự kiến có 19 chuyến bay khứ hồi, song thực tế các hãng bay chỉ thực hiện được 9 chuyến, còn 10 chuyến ít khách hoặc không có nên phải hủy. Các chuyến bay bị hủy giữa TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Yên/Hải Phòng/Rạch Giá/Cà Mau; chặng Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Cần Thơ, Đà Nẵng - Đắk Lắk, Thanh Hóa - Lâm Đồng.
Đại diện một hãng hàng không lý giải về lý thuyết nhu cầu đi lại trong giai đoạn sau mở cửa của người dân là rất lớn. Người đang kẹt ở quê thì muốn trở lại TP làm việc, những người suốt mấy tháng qua bất động ở vùng dịch thì mong mỏi trở về quê nhà. Tuy nhiên, thực tế, nhu cầu hành khách đi từ TP.HCM về các địa phương khá cao, các chuyến bay đủ khách, song nhu cầu ở chiều ngược lại rất thấp. Mặt khác, các hãng chỉ được bán 50% số ghế theo quy định giãn cách. Áp lực cân đối phí khai thác 2 chiều là rất lớn, doanh nghiệp đành hủy chuyến.
Đáng nói, trong khi hàng loạt chuyến bay “ế” khách không thể thực hiện thì có rất nhiều gia đình sau nhiều tháng kẹt lại ở Hà Nội, Đà Nẵng… đang mong ngóng, chờ đợi từng ngày hàng không mở cửa để trở về nhà hoặc đoàn tụ với con cái nhưng bất lực vì trẻ con chưa thuộc đối tượng được tiêm vắc xin, chưa được bay. Bên cạnh đó, việc giới hạn số chỗ đẩy giá vé máy bay gần như luôn chạm mức kịch trần. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch, rất nhiều người dân có nhu cầu cũng e ngại khi phải chi vài chục triệu cho gia đình 3 - 4 người đi máy bay tại thời điểm này.
Rất nhiều chuyến bay đã bị hủy vì “ế” khách trong giai đoạn thí điểm mở cửa hàng không nội địa vừa qua. Đậu Tiến Đạt |
Chưa bay đã lỗ
Trả lời chúng tôi, đại diện một hãng hàng không thừa nhận các chuyến bay trong giai đoạn thí điểm hiện nay gần như chỉ mang tính chất “nghĩa vụ”, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Chuyện lời/lỗ đối với doanh nghiệp là chưa thể bàn tới vì áp lực chi phí hiện quá cao. Thông thường, 1 máy bay phải lấp đầy khoảng 80% chỗ ngồi thì mới đạt tới điểm hòa vốn. Với quy định giãn cách hiện nay, cao nhất hãng cũng chỉ phục vụ được 50% lượng khách. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng hàng không đẩy giá vé lên cao, nhưng cao đến đâu cũng không thể vượt quá khung giá trần đã được quy định. Do đó, hầu hết các chuyến bay hiện nay đều lỗ.
“Thực tế, từ đợt dịch năm 2020 đến nay, hàng không đã luôn phải gồng lỗ cho các chuyến bay. Được cất cánh như hiện nay chỉ để giúp các doanh nghiệp có dòng vốn, đỡ hơn là để máy bay nằm đắp chiếu trong sân đỗ thôi chứ chắc chắn không thể có lời”, vị này cho biết.
Rất nhiều chuyến bay đã bị hủy vì “ế” khách trong giai đoạn thí điểm mở cửa hàng không nội địa vừa qua. Đậu Tiến Đạt |
Vừa đón máy bay về thì dịch bùng phát, hơn ai hết, ông chủ của Vietravel Airlines nóng lòng từng giây, từng phút đếm đến ngày “mở cửa bầu trời” trở lại. Thế nhưng, theo kế hoạch, đến ngày 15.11 Vietravel Airlines mới cất cánh. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, đánh giá với các điều kiện, quy định như hiện nay, tạm ngưng tiếp còn đỡ khổ hơn cố bay. Cụ thể, vẫn còn tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương nhận thức khác nhau về các tiêu chí mở cửa.
Mặc dù đã có Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhưng việc áp dụng của các địa phương vẫn chưa đồng nhất, cần có thêm thời gian để tất cả triển khai, áp dụng đồng bộ. Mỗi nơi áp dụng một kiểu dẫn đến liên tiếp những câu chuyện “dở khóc dở cười” như hàng loạt chuyến bay bị hủy, hành khách thót tim vì suýt bị hủy bay phút cuối… Về thị trường, nhu cầu cao nhưng với điều kiện ngặt nghèo như hiện nay, tỷ lệ đặt chỗ thành công rất ít. Chưa kể, với tính toán hiện nay, chỉ cho 50% công suất thì chưa bay đã lỗ, bay càng lỗ hơn cả nằm sân.
“Chi phí cho 1 chuyến bay bao gồm định phí và biến phí, bay lên chưa đủ bù lại biến phí, đừng nói đến bù chi phí. Cần có đánh giá, xem xét lại các quy định mở cửa hàng không. Có vẻ như đang có những suy nghĩ sai lệch khi nghĩ rằng hàng không nguy hiểm nhất nên đưa điều kiện cao nhất, vượt qua cả yêu cầu của Bộ Y tế”, ông Kỳ đề xuất.
Đồng tình, ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhấn mạnh hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng. Để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, các hãng hàng không đã phối hợp với các cơ sở y tế chuẩn bị phương án test nhanh Covid-19 tất cả hành khách chiều đi tại các cảng hàng không trước khi lên máy bay, kể cả khách đã có kết quả âm tính 72 giờ. Do đó, nên nới lỏng các quy định như không yêu cầu cách ly tập trung khi về địa phương, bỏ giãn cách 50% số chỗ vì không cần thiết, gây lãng phí, tốn kém cho cả hãng bay và hành khách. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chưa được tiêm chủng như trẻ em… cũng được bay để người dân có thể trở về đoàn tụ, làm việc trong bối cảnh bình thường mới.
Hà Mai