Vietstock - Kỳ vọng 2022 kinh tế sẽ bứt phá từ tài chính số
Theo ông Phạm Xuân Hoè, năm 2022, tài chính số của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử. Đó là yếu tố nội lực ở trong nước được kích thích mạnh mẽ.
Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa - tiền tệ chưa có tiền lệ lên tới gần 350.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 – 2023
|
Điểm sáng đáng ghi nhận
Cùng nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và kỳ vọng cho năm 2022, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã chịu những khó khăn, mất mát chưa từng có trên tất cả các phương diện, đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Hàng chục triệu người lao động mất việc làm, giảm việc làm, mất thu nhập, giảm thu nhập trong thời gian tương đối dài, đồng thời sống trong cảnh bị phong tỏa. Đó là những mất mát không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần. Từ đó để thấy, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt 2,58% là mức thấp nhất kể từ trước đến nay, tuy nhiên 2,58% đó cũng là mức vượt ra ngoài dự đoán của giới chuyên gia.
TS. Nguyễn Đình Cung
|
Theo vị TS, trong bối cảnh như vậy, vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận như: Thứ nhất, vì kinh tế thế giới phục hồi nhanh và mạnh, lực cầu bên ngoài rất tốt, nên trong nước có định hướng xuất khẩu tốt, nhất là với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất rõ ràng, không bị đứt gãy về chuỗi cung ứng nhiều, nên xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao và có thặng dư.
Thứ hai, là kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, cùng với đó hệ thống tài chính giữ được an toàn, đảm bảo thanh khoản được cho nền kinh tế. Đó chính là yếu tố quyết định để duy trì hỗ trợ sản xuất và duy trì được mức tăng trưởng trong thời gian vừa rồi.
Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đồng tình với ý kiến trên. Nhưng theo ông Hoè, còn có một số điểm cần phải tổng kết và đánh giá như sau: “Trong quý 3/2021 tăng trưởng âm, thì không ai nghĩ đến quý 4 sau đó lại tăng trưởng 5,22% để bù lại cho mức 2,58% của cả năm. Điều quan trọng được quyết định ở hai vấn đề đó là: chiến lược ngoại giao vaccine, để phủ vaccine cho toàn bộ dân chúng, nhằm sớm mở cửa trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế và Nghị quyết 128, để mọi người chung sống một cách linh hoạt an toàn với COVID. Chính vì vậy mới tạo ra động lực để có cú “lội ngược dòng”. Từ đó để thấy, vấn đề quyết định cốt lõi vẫn là thể chế. Khi có sự tác động của thể chế đã ngay lập tức làm cho kinh tế tăng trưởng quay trở lại.
Một điểm tôi muốn nhấn mạnh nữa đó là kinh tế số và kinh tế chia sẻ có sự bứt phá ngoạn mục, cần phải nhìn thấy điều đó để sang năm 2022 phát huy. Riêng khu vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm tăng trưởng khá cao đóng góp 0,52 điểm phần trăm trong GDP và kinh tế, về mặt thông tin truyền thông cũng đóng góp 0,36 điểm phần trăm”, ông Hoè bổ sung ý kiến.
Bứt phá từ tài chính số
Trong năm 2022, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ sự lạc quan vì dịch bệnh sẽ không thể xảy ra như năm 2021, mà sẽ trở lại bình thường hơn vì đã dự đoán cũng như kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, Việt Nam mở cửa nền kinh tế hoàn toàn càng nhanh càng tốt và phải nhất quán, đặc biệt với các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ,... không nên chần chừ như hiện nay. Nếu không sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp không còn niềm tin vào việc phục hồi và tiêu dùng sẽ rất chậm.
Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa - tiền tệ chưa có tiền lệ lên tới gần 350.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 – 2023. Cụ thể, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng mức thuế GTGT 10%; cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng; bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong hai năm, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. |
“Khi các hoạt động phục hồi trở lại sẽ là động lực chính cho quá trình phục hồi. Tôi không có quá nhiều kỳ vọng vào các gói hỗ trợ, chỉ riêng vấn đề về y tế, thì cần thiết phải làm để củng cố việc kiểm soát dịch bệnh và cùng với đó là gói đầu tư công. Với hai gói còn lại không được kỳ vọng lắm, nhất là gói hỗ trợ lãi suất, vì chính sách của Nhà nước rất rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Sau này khi thanh tra, kiểm tra, nếu có làm sai quy định thì khi đó trách nhiệm rất lớn. Với gói an sinh xã hội, việc thực hiện vẫn mang tính truyền thông và rất chậm, không có gì đột phá.
Vì vậy, nếu không làm được đầu tư công, thì gói hỗ trợ sẽ không có ý nghĩa nhiều và phải cải cách thể chế, đó mới là khâu trọng tâm quyết định. Tôi kỳ vọng rằng, tổng cầu của nền kinh tế có thể tăng lên, nếu không sẽ khó có sự bứt phá như châu Âu và Hoa Kỳ, vì hiện nay không có động lực nào để tăng tổng cầu trong năm 2022.
Về dự báo, mức tăng trưởng 5,5 - 6,5% cũng là mức bình thường, nhưng mức tăng trưởng đó là thấp so với mục tiêu mà nhiệm kỳ này đặt ra, với tăng trưởng trung bình 7%”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Ông Phạm Xuân Hoè
|
Còn theo ông Phạm Xuân Hoè, trong năm 2022, chúng ta có những biến số rất thuận lợi. Ở góc độ tài chính ngân hàng, lạm phát chỉ loanh quanh ở mức 3%, vì tổng cầu vẫn rất yếu mà Chính phủ cũng không bơm tiền ra.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế, ông Hoè đánh giá rằng, mức 6,5% không phải quá khó với Việt Nam, bởi vì trong nước, về mặt kinh tế, ngoài gói kích cầu, thì tài chính số đã có sự bứt phá mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử với 2,2 triệu tài khoản mở qua eKYC và người giao dịch hầu hết mua bán qua sàn thương mại điện tử với tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt đã giảm.
“Tôi rất kỳ vọng vào câu chuyện tài chính số của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử. Khi đó, người nông dân cũng có thể bán hàng qua mạng, trên Amazon hay Alibaba (NYSE:BABA),... Đó là yếu tố nội lực ở trong nước được kích thích mạnh mẽ.
Ngoài ra, nếu như nhất quán trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh phải thống nhất và đồng bộ. Các tiêu chí phải được đặt ra từ Bộ Y tế rõ ràng, để tránh tình trạng nay mở mai cấm, sẽ không có động lực tăng trưởng. Hay về mặt thể chế, đây cũng là một điểm sáng cho năm mới này, trong đó, một luật sửa chín luật là một trong những nút đột phá khi mạnh dạn triển khai”, ông Phạm Xuân Hoè khẳng định.
Diễm Ngọc