Vietstock - Kiều hối, điểm sáng và vùng tối
Số liệu vừa được công bố cho thấy, lượng kiều hối gửi về TPHCM năm 2022 đạt 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước.
Ảnh minh họa
|
Hiện chưa có số liệu chung của cả nước nhưng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2022 tăng 4,4% so với 2021.
Kiều hối là điểm sáng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt mức 10 tỷ USD. Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu, cũng như tác động của xung đột quân sự Nga - Ukraine, cùng với việc lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam tuy có sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Nổi bật là năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt khoảng 12,5 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (theo thống kê của WB và KNOMAD).
Bên cạnh hàng triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Việt Nam còn có lợi thế hút kiều hối khi có nguồn lao động xuất khẩu dồi dào. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 người. Đây là con số tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Dự kiến, mục tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2023 là đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, kỳ vọng về kiều hối trong các năm tới rất lạc quan.
Kiều hối còn là một trong những nguồn lực “vàng” để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn thu nhập của người lao động sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho người thân trang trải và nâng cao mức sống, một phần chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.
Rộng hơn, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng, bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng USD. Thế nên các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối.
Dẫu vậy, bức tranh kiều hối lâu nay vẫn còn tồn tại góc tối, khi “nguồn lực vàng” này đang bị thất thoát. Bởi bên cạnh dịch vụ chính thức, đang tồn tại dịch vụ chuyển tiền phi chính thức. Kênh chuyển tiền chính thức bao gồm các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển tiền đã được cơ quan quản lý cấp phép, và việc mang kiều hối trực tiếp vào có khai báo với cơ quan hải quan tại cửa khẩu. Kiều hối đi qua con đường này là những khoản có thể thống kê được.
Ngược lại, kênh phi chính thức bao gồm các hình thức chuyển tiền tay ba, qua các tổ chức cung ứng dịch vụ chưa được cơ quan quản lý cấp phép. Các hình thức chuyển ngầm này không được thống kê, lưu lượng khó đong đếm. Đó là người gửi chỉ cần thông báo số tiền gửi từ nước ngoài, ở Việt Nam sẽ có người mang đến tận nhà. Khi gia đình báo tin đã nhận, người gửi sẽ thanh toán cho bên chuyển tiền.
Theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính, dịch vụ chuyển tiền chui dự trữ một khoản tiền lớn tại Việt Nam để chi trả VNĐ hoặc ngoại tệ cho người nhận. Để chuyển số tiền kiều hối này về nước, các nhóm kinh doanh dịch vụ chuyển tiền chui có thể sử dụng hình thức mua hàng hóa gửi về nước để bán lại. Với công ty có quy mô sẽ dùng danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa, khai khống nhập khẩu hàng hóa có trị giá lớn. Hoặc hình thức khác là mua tiền ảo để chuyển trái phép tiền ra khỏi biên giới quốc gia…
Hiện nay, tùy vào quốc gia, vùng lãnh thổ, người gửi tiền vẫn cân nhắc, so sánh giữa chi phí phát sinh khi gửi qua từng kênh. Dĩ nhiên, cơ quan quản lý mong muốn kiều hối được chuyển qua kênh chính thức, nhưng vì vấn đề an ninh tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ luồng tiền ra vào, dẫn đến chi phí chuyển tiền chính thức luôn rất cao.
Thế nên kênh phi chính thức vẫn tồn tại. Bởi ẩn chứa đằng sau các khoản tiền chuyển ngầm có rất nhiều lao động nhập cư bất hợp pháp, và nguy cơ hơn kênh phi chính thức sẽ dễ tạo điều kiện cho nạn rửa tiền phát triển.