Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng 16:40 21/07/2022
Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long
GMD
-

Vietstock - Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay hệ thống logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nghèo nàn, còn nhiều điểm nghẽn khiến cho dịch vụ này không thể phát triển, kéo theo nhiều hệ lụy như giá chi phí vận tải hàng hóa, nông sản của vùng cao, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội,... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng để "đánh thức" phát triển hoạt động logistics.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

"Thời cơ vàng" cho logistics bứt phá

Theo các chuyên gia nhận định, để phát triển hoạt động logistics, điều kiện cần đầu tiên là phải có nguồn hàng. Điều này rất thuận lợi đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long đã được thiên nhiên ưu đãi với những lợi thế tự nhiên vô cùng to lớn, là vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước chiếm 90% sản lượng gạo, 54% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và vô cùng thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy nội địa: hệ thống sông dài 28.000km; trong đó, 23.000km có khả năng khai thác vận tải thủy, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh) cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu và 5 tuyến hành lang đường bộ nối Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và cả nước cùng hệ thống cảng trải dài dọc trên sông Hậu, sông Tiền.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), những tiềm năng tự nhiên to lớn ấy đã được đánh thức thông qua các chính sách quan trọng như: Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Ðây là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng.

Cùng với đó là Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cũng đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Đặc biệt, để tháo gỡ những khó khăn và hạn chế của Đồng bằng sông Cửu Long cùng với hệ thống logistics hiện tại của khu vực TP Hồ Chí Minh đang phục vụ xuất khẩu và giao nhận hàng hoá cho vùng đang quá tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã ký Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định hướng đến việc phát triển cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Đây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics cho hàng nông thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vươn tầm khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), đến nay Đồng bằng sông Cửu Long đang được đặc biệt quan tâm. Dự kiến trong 3 - 5 năm nữa sẽ có cao tốc thông suốt từ TP Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc (An Giang); luồng Định An sẽ được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (tại thành phố Cần Thơ) hình thành. Đó sẽ là “thời cơ vàng” thứ 2 cho Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá.

"Khơi thông" dòng chảy logistics

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ hạ tầng logistics và được sự quan tâm từ Trung ương, các bộ ngành với nhiều chính sách thúc đẩy phát triển khu vực này.

Tuy nhiên, để "khơi thông" được dòng chảy logistics ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất cần cụ thể hóa, "biến" các quyết định thành hành động cụ thể, xóa các "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông, tạo cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư về logistics đến với vùng đất đầy tiềm năng.

Các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu những điều kiện cần nổi bật hiếm có về điều kiện tự nhiên và chính sách quan tâm, phát triển của Chính phủ và bộ ngành. Để có thể "khơi thông" được dòng chảy một cách trơn tru, thông suốt, Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm xem xét cải thiện thêm.

Theo bà Trương Thị Kim Liên, Giám đốc Gemadept (HM:GMD) Cần Thơ, để đánh thức tiềm năng vận tải thủy, trong quy hoạch mạng lưới đường thủy, cần tăng cường mở rộng thêm các tuyến thủy nội địa và xem xét điều chỉnh các tuyến đường thủy mới kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực khu cảng trọng điểm Cái Mép và nước bạn Campuchia.

Các doanh nghiệp vận tải thủy có thể rút ngắn khoảng cách vận chuyển lên đến hàng trăm km, qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm đáng kể chi phí nhiên liệu tiêu hao, đặc biệt khi giá nhiên liệu đang tăng chóng mặt như hiện nay.

Việc nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông thủy kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và khu vực Cái Mép–Thị Vải sẽ tạo thuận lợi vô cùng to lớn cho việc xuất nhập các mặt hàng chủ lực của khu vực đến thẳng Châu Âu và Hoa Kỳ như thủy hải sản, nông sản… giảm tải cho khu vực TP Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của hệ thống cảng nước sâu.

Bà Trương Thị Kim Liên cũng cho biết hiện tại, tuyến luồng vận chuyển Việt Nam – Campuchia chủ yếu qua kênh Chợ Gạo. Tuy nhiên, vì đặc điểm tuyến luồng nhỏ nên tuyến hay bị tắc nghẽn, khó có thể đáp ứng mật độ khai thác dày đặc và xu hướng vận tải của khu vực ngày càng cao.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đường thủy trên tuyến này, các cơ quan ban ngành xem xét vào các thời gian biển êm cho phép tàu sông đăng kiểm cấp S1 trên một số tuyến có thể chạy vòng qua biển vào kênh Quan chánh Bố (tỉnh Trà Vinh).

Việc linh hoạt thay đổi hành trình đối với các tàu sà lan đăng kiểm cấp S1 khi thời tiết thuận lợi không chỉ giúp đảm bảo an toàn hàng hải mà còn mang đến các lợi ích rất tích cực, các tàu có thể nâng cao năng lực vận tải, tăng doanh thu, giảm chi phí và góp phần đáng kể trong việc giảm tải, điều tiết lượng tàu chạy qua kênh Chợ Gạo đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng và thường xuyên như hiện nay.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, ngành chức năng xuất quan tâm đến các nhà máy chiếu xạ bảo quản nông thủy sản, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kho lạnh, mát.

"Cơ quan quản lý cần có chính sách, cơ chế kêu gọi đầu tư thêm các nhà máy chiếu xạ đủ chuẩn để phá thế độc quyền của một số doanh nghiệp trên thị trường hiện nay, tránh tắc nghẽn, gián đoạn xuất khẩu hàng hóa. Trong khi chiếu xạ không chỉ bảo quản nông thủy sản, đây là điều kiện bắt buộc nếu muốn nâng cao giá trị sản phẩm, xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng lớn nhưng có các yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Australia…", bà Trương Thị Kim Liên đề xuất.

Để phát triển logistics cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư các dự án, tạo cơ chế cho nhà đầu tư thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Song song đó, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cản cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.

"Việc ra mắt Hiệp Hội Logistics Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy việc truyền thông, kết nối các mắt xích trong chuỗi, kết hợp với các tổ chức đào tạo chuyên ngành hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh hơn nữa đào tạo, thu hút nhân tài cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Trần Thanh Hải gợi ý.

Những khó khăn, vướng mắc khiến cho hoạt động logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa "khơi thông" và những phân tích, hướng giải quyết đã được các chuyên gia, doanh nghiệp nêu rõ, nếu sớm được hiện thực hóa sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Thu Hiền

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.