Vietstock - Hội nghị 'Diên Hồng' về kinh tế: Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phải phục hồi hình chữ V
Nói với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng tin kinh tế sẽ phục hồi như lò xo nén sau dịch với mục tiêu năm nay GDP tăng 5%, lạm phát dưới 4%.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Sáng 9/5, Hội nghị cộng đồng doanh nghiệp với Thủ tướng và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế đã diễn ra. Đây là lần thứ tư, Thủ tướng chủ trì một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm qua những dấu mốc nổi bật của Việt Nam trong quá trình kiểm soát, đẩy lùi và phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, những chia sẻ của doanh nghiệp với đất nước trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam vẫn theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, là vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế, để "ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát".
Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay, như WB là 4.9%, IMF 2.7%... Quý 1, GDP Việt Nam tăng 3.82% - mức thấp nhất 10 năm gần đây nhưng theo ông, là mức khá trong số các nước ASEAN. Điều này cho thấy Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trước khó khăn của đại dịch, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nền kinh tế. Khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đi qua thì nền kinh tế sẽ như chiếc lò xo nén lại, giờ là lúc phải bung ra.
"Lúc này chúng ta phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng 5%, cao hơn dự báo của IMF và kiểm soát lạm phát dưới 4%", ông nhấn mạnh.
Muốn đạt mục tiêu này, ông đề cập 5 mũi giáp công là thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, trước hết là đầu tư tư nhân. Kế đó là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
"Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển, kinh tế sau dịch phải hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W", Thủ tướng khẳng định.
Các nhà kinh tế học chọn chữ cái La Mã để dự đoán khả năng phục hồi của kinh tế với Covid-19. Mô hình chữ V hàm ý sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm. Mô hình chữ U cho thấy kinh tế sẽ ở đáy lâu hơn trước khi phục hồi. Mô hình chữ W hàm ý về khả năng đi lên rồi có thể suy thoái trở lại trước khi phục hồi hoàn toàn.
Thừa nhận Việt Nam còn nhiều nút thắt nhưng ông lưu ý hội nghị gặp gỡ hôm nay không phải than nghèo kể khổ, mà phải có kết quả cụ thể, giải pháp ý tưởng mới về thị trường, chuỗi giá trị như là "chất keo" để kết nối các chuỗi giá trị đứt gãy.
"Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng giúp doanh nghiệp tăng năng suất. Giờ là lúc bàn tới chính sách tăng tốc, đòn bẩy cho phát triển", ông lưu ý.
Với các doanh nghiệp, ông đề nghị nên có 6 nhân tố lúc này là yêu Tổ quốc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo và giữ vững niềm tin. "Đừng cầu không có khó khăn, đừng mong có dễ dàng vì dễ dàng không đến lượt chúng ta. Nếu không sáng tạo, tự mình lùi lại phía sau", ông nói.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế nhưng chưa có doanh nghiệp lọt vào top 500. "Tôi hy vọng 25 năm nữa Việt Nam sẽ xuất hiện những đế chế như Google (NASDAQ:GOOGL), Alibaba...Không gì là không thể", Thủ tướng nói.
Còn với các bộ, ngành, ông đề nghị những chính sách nêu lên phải mới mẻ, có ý tưởng mới thay vì chỉ nói những điều đã biết. Các bộ, ngành cũng cần chống lại sự vô cảm, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp thông qua cắt giảm nhanh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Trước khi bước vào phần đóng góp ý kiến của bộ ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp:
Thứ nhất là yêu Tổ quốc. Bởi làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, chia sẻ với Tổ quốc. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương doanh nghiệp chia sẻ với đất nước trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp lớn đóng góp lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng góp nhỏ.
Thứ 2 là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình.
Thứ 3 là không được nản chí, bởi nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn những khó khăn thách thức, nhưng doanh nghiệp cần vượt qua.
Thứ 4, doanh nghiệp cần năng động, quyết đoán, vì thụ động thì không thể thành công được.
Thứ 5, doanh nghiệp cần sáng tạo, vì thiếu sáng tạo thì tự mình tụt lại phía sau.
Thứ 6, cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.
Trước khi kết thúc bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn 2 câu thơ trong bài thơ "Tự khuyên mình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để động viên tất cả mọi người trong những thời điểm gặp khó khăn: "Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân".
Trên tinh thần lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đơn vị liên quan khi phát biểu ý kiến tại hội nghị cần tập trung vào các nhóm giải pháp, ngắn gọn, trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, tránh nói "những điều đã biết rồi".
Nhật Quang