Vietstock - Cháy rừng lan tới thủ đô Úc
Cuộc chiến với lửa mùa hè năm nay ở Úc là cuộc rượt đuổi cháy rừng. Lửa dữ dội cứ xuất hiện ở bang này rồi chuyển sang bang khác, từ tháng 9-2019 đến nay.
* Các tỷ phú Úc đã góp bao nhiêu sau thảm họa cháy rừng?
* Kinh tế Úc lao đao vì thảm họa cháy rừng
Người dân theo dõi đám cháy lớn ở phía nam Canberra - Ảnh: Josh Cox/news.com.au |
Hiện nay, cháy lớn đã đến cửa ngõ thủ đô Canberra của Úc.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 31-1, Canberra đã ban bố lệnh khẩn cấp và đang đối diện với mối đe dọa về cháy rừng tồi tệ nhất trong 17 năm qua. Báo News dẫn lời ông Andrew Barr, thủ hiến lãnh thổ thủ đô (ACT), ngày 31-1 cho biết: "Cháy rừng có thể rất khó dự báo và ngoài tầm kiểm soát. Lựa chọn tốt nhất của tôi là phải công bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực ngay tức thì".
Lần cuối thủ đô Canberra, nằm tại cực bắc ACT, tuyên bố tình trạng khẩn cấp là năm 2003, cũng do cháy rừng. Thủ đô của nước Úc nằm giữa hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne, với dân số khoảng 400.000 người.
Theo nhà chức trách, ngọn lửa sẽ tiến đến gần thủ đô hơn trong ngày 31-1 do nhiệt độ tăng cao kết hợp cùng gió lớn và tình trạng khô cằn ở vùng đất này. Nhiều quận xung quanh thủ đô sẽ nằm trong tình trạng nguy hiểm và người dân được cảnh báo phải "tăng cường cảnh giác", chuẩn bị cho khả năng phải đi sơ tán.
Vụ cháy rừng gần thung lũng Orroral, phía nam vùng lãnh thổ thủ đô, đang là vụ cháy lớn nhất ở Canberra và hiện đã lên quy mô hơn 18.500ha, gần 8% tổng diện tích đất của Canberra, và đang lây lan rất nhanh, có lúc lên tốc độ hơn 400ha/giờ.
Chiều 28-1, theo báo Canberra Times, Bộ Quốc phòng Úc thừa nhận đám cháy có thể do một trong những chiếc trực thăng của bộ này gây ra, khi chiếc máy bay này chiếu đèn để hạ cánh trong điều kiện khói mù.
Sức nóng của ánh đèn đã làm cháy lớp cỏ khô và đám cháy lan nhanh, làm hư chiếc trực thăng trước khi nó cất cánh trở lại. Đây là lần đầu tiên đèn hạ cánh của máy bay trực thăng gây ra cháy rừng ở Úc. Bộ Quốc phòng đang điều tra vụ việc, nhưng chắc chắn quy trình vận hành máy bay sẽ được thay đổi và đèn hạ cánh sẽ không được sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt.
Chỉ huy trưởng dịch vụ khẩn cấp lãnh thổ thủ đô, bà Georgeina Whelan, nhận định tình hình có thể xấu hơn năm 2003. Trong vòng 72 giờ sau khi tình trạng khẩn cấp được công bố, đường sá ở nhiều khu vực có thể bị phong tỏa, người dân phải đi sơ tán. Ngoài ra, chính quyền có thể có những hành động cần thiết để đảm bảo an toàn cho dân chúng.
Sống chung với sóng nhiệt
Ngoài Canberra, nhiều lệnh cấm lửa cũng được áp dụng ở một phần các bang New South Wales, Victoria và Tasmania. Những nơi này cùng lúc cũng đang chịu ảnh hưởng của một đợt sóng nhiệt (hiện tượng thời tiết nóng kéo dài) nguy hiểm đến sức khỏe người dân và khiến tình hình cháy rừng thêm căng thẳng.
Theo báo News, thời tiết từ Canberra đến New South Wales, Victoria và Tasmania "rất nóng, đêm rất ẩm và rất khó chịu".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Lục Anh Tuấn - nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Canberra - cho biết sau khi chính quyền công bố lệnh khẩn cấp trong ngày 31-1, tình hình sẽ được cập nhật nhiều hơn. Người dân cũng chú ý theo dõi sát tình hình.
"Nhìn chung, cả người Úc lẫn cộng đồng người Việt Nam đều rất quan tâm. Tại nơi tôi ở, tình hình khá nghiêm trọng. Điều ai cũng có thể cảm nhận được là trời rất nóng bức. Hôm nay và ngày mai (1-2), nhiệt độ vào khoảng 41-42 độ C. Tôi và bạn bè duy trì liên lạc thường xuyên qua Facebook (NASDAQ:FB) và điện thoại, sẵn sàng di tản khi có yêu cầu và hướng dẫn của chính quyền" - anh Tuấn cho biết.
Sống chung với những đợt sóng nhiệt đã là điều không thể tránh khỏi với người dân Úc trong mùa hè. Sóng nhiệt đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người có vấn đề về sức khỏe và vận động.
Lệnh cấm lửa Thời tiết có gió mạnh và nắng nóng đến 40 độ C không đứng về phía những nỗ lực của lính cứu hỏa. Đám cháy đang lan nhanh, có thể vượt qua ranh cản lửa và có thể kéo dài vài tuần. Hiện lệnh cấm lửa hoàn toàn đang được áp dụng trên khắp lãnh thổ thủ đô cho đến cuối ngày 31-1. |
HỒNG VÂN