Vietstock - GDP và GNI, đâu mới là phát triển thực sự?
Ireland không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có mức chênh lệch dương giữa GDP và GNI ở mức cao(1) song là quốc gia tiên phong trong điều chỉnh phương thức tính toán và sử dụng chỉ tiêu điều hành kinh tế - một kinh nghiệm Việt Nam nên học tập.
* HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 3%, lạm phát 3.3% trong năm 2020
* GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp nhất 10 năm
Năm 2015, báo cáo thống kê cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ireland tăng trưởng đáng kinh ngạc - ở mức 26,3%. Washington Post nhận định, nếu Ireland duy trì được tốc độ tăng trưởng này mỗi năm, quy mô kinh tế quốc gia này sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2037(2).
Hiển nhiên, việc Ireland vươn lên đứng thứ hai thế giới về quy mô kinh tế rất khó có khả năng xảy ra. Chính phủ Ireland sau đó cũng nhận thức được thực tế việc sử dụng GDP như một chỉ báo để đo lường sức khỏe của nền kinh tế còn tồn tại nhiều vấn đề và đã có động thái điều chỉnh cách thức tính toán nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia cũng như các tác động của toàn cầu hóa trong quá trình đo lường trên.
Cụ thể, tháng 7-2017, Cục Thống kê trung ương Ireland (Central Statistics Office - CSO) đã công bố chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia điều chỉnh (Modified Gross National Income), sử dụng cách tính toán tổng thu nhập quốc gia (GNI) thông thường có loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố có thể làm bóp méo tăng trưởng thực của nền kinh tế(3).
Mục đích chính của việc tính toán chỉ tiêu GNI điều chỉnh là để loại trừ thu nhập giữ lại (lợi nhuận chưa phân phối) của các công ty nước ngoài do phần lợi nhuận này đến một lúc nào đó sẽ được trả cho các chủ sở hữu bên ngoài lãnh thổ quốc gia thông qua cổ tức, tương tự với các chi phí khấu hao trong các công ty cho thuê máy bay và sở hữu các tài sản trí tuệ.
Mức tăng kỷ lục 26% sau đó được lý giải là do hoạt động tái cấu trúc trong nội bộ các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Ireland.
Với mức thuế suất doanh nghiệp thấp, Ireland là điểm đến ưa thích của vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thâm dụng vốn - góp phần làm tăng GDP nhưng không giúp ích nhiều cho người lao động bản địa; đồng thời tạo cơ hội cho hoạt động chuyển giá - lợi nhuận được ghi nhận tại Ireland dù các hoạt động không thực sự diễn ra tại đây.
Năm 2018, lợi nhuận của riêng Apple (NASDAQ:AAPL) Ireland ước tính ở mức 116,8 tỉ euro, tức tương đương đến 36% GDP Ireland.
Sau khi điều chỉnh cách tính toán, các chỉ số kinh tế của Ireland trở nên kém lạc quan hơn rất nhiều: quy mô nền kinh tế giảm một phần ba từ mức 275 tỉ euro tính theo GDP xuống chỉ còn dưới 190 tỉ euro tính theo GNI điều chỉnh, tỷ lệ nợ ước tính tăng từ 75% lên 106% và cán cân vãng lai chuyển từ thặng dư sang thâm hụt.
Những thay đổi này đưa đến một góc nhìn khác cho các nhà điều hành chính sách Ireland, kém lạc quan hơn song cũng thực tế hơn, cho thấy nền kinh tế Ireland vẫn đang trong quá trình phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bắt đầu gia tăng và vượt mức GNI bình quân đầu người; khoảng cách giữa hai chỉ số này cũng có xu hướng nới rộng hơn, lên trên mức 7% trong hai năm 2017 và 2018 (hình 1). So với mức khoảng 20% của Ireland, con số này chưa thực sự đáng kể. Điều đáng lưu ý ở đây là thực tế chênh lệch đang ngày càng gia tăng này ở mức cao khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực châu Á (hình 2) - kể cả với nền kinh tế có độ mở cao như Singapore.
Từ những năm 1990, Việt Nam bắt đầu trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện gia tăng với tốc độ lần lượt là 25% và 19% giai đoạn 1991-2018 và FDI ròng tương đương khoảng 6% GDP trong cùng giai đoạn. Nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng này chỉ thấp hơn tỷ trọng của Singapore (17%) và Campuchia (7%).
Cùng với sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài, lợi nhuận mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại thu được từ hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài(4) đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tương đương 3,2% GDP theo giá thực tế năm 2016.
Giả thiết khoảng 75% số lợi nhuận này được chia cho các cổ đông không lưu trú ở Việt Nam, tức 75% của 3,2% GDP, tương đương 2,4% GDP hoặc 110.000 tỉ đồng. Con số này còn chưa tính toán đến lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài thu được thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Nếu giả thiết trên thành hiện thực thì vấn đề tiếp theo cần quan tâm là nguồn lực gia tăng cho đầu tư, tái sản xuất mở rộng và tạo thêm việc làm - thu nhập cho người dân trong nước còn lại là bao nhiêu? Nói cách khác, tăng trưởng thực tế của kinh tế Việt Nam sẽ là bao nhiêu phần trăm nếu không tính phần gia tăng do đóng góp của đầu tư nước ngoài?
Việc chỉ ra những chênh lệch này hoàn toàn không phải hàm ý rằng FDI là một yếu tố tiêu cực với tăng trưởng thực kinh tế Việt Nam, FDI mang lại những kết quả tích cực khác mà bài viết sẽ không bàn luận. Mục tiêu chính của những lập luận và tính toán trên nhằm chỉ ra với trường hợp của Việt Nam, tương tự như Ireland, GDP sẽ không phải là thước đo chính xác và hiệu quả duy nhất phản ánh trình độ phát triển kinh tế quốc gia trên thực tế.
Việc tính toán và sử dụng chỉ số GNI, có điều chỉnh cho phù hợp với các đặc thù của kinh tế Việt Nam, sẽ góp phần phản ánh tốt hơn hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế đối với đời sống của người dân.
Như Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra trong phần trả lời phần chất vấn của đại biểu Quốc hội hồi đầu năm, GNI có những điểm yếu như có độ trễ trong tính toán, không thể tính toán ngay hàng quí và đưa vào sử dụng trong công tác chỉ đạo, điều chỉnh chính sách ngắn hạn, do đó, việc đưa GNI vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành để trình Quốc hội thông qua hàng năm là không phù hợp.
Song việc cân nhắc đưa chỉ báo này vào danh sách các mục tiêu trung, dài hạn là cấp thiết và cần thiết. Hành động này cũng sẽ cung cấp thông tin định hướng hữu ích cho các địa phương trong cả nước khi đánh giá kết quả kinh tế - xã hội. Theo đó, các chính sách phát triển không nên chỉ tập trung vào thu hút FDI đơn thuần, mà nên lấy thu nhập của người lao động và mức sống của dân cư làm thước đo hiệu quả.
Vũ Thị Hằng