Vietstock - Doanh nghiệp sẽ dễ đòi bồi thường hơn trong EVIPA
Với mục đích khắc phục những khuyết điểm của phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng tòa án và trọng tài đầu tư quốc tế một cấp truyền thống, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) đã vơi bớt gánh lo cho doanh nghiệp(1) khi thiết lập cơ chế trọng tài thường trực, chuyên trách được tổ chức ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Tuy nhiên, làm sao để gánh lo đó được vơi nhẹ trên thực tế là câu chuyện khá phức tạp.
Về lý thuyết, cơ chế trọng tài hai cấp có thể tạo ra một phán quyết trọng tài “đẹp trên giấy” nhưng nếu doanh nghiệp không có cơ chế nào yêu cầu các quốc gia bồi thường thiệt hại do các vi phạm nghĩa vụ đầu tư mà các quốc gia này gây ra thì “phán quyết đẹp” có ý nghĩa gì không?
Nhằm góp phần bảo vệ doanh nghiệp của EU, EVIPA đã thiết lập một tiền lệ mới đối với Việt Nam bằng cách cho phép công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp theo Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Công ước New York) và Công ước ICSID 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư với quốc gia tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là Công ước ICSID).
Trong giai đoạn EVIPA chưa có hiệu lực, nếu doanh nghiệp EU khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra trọng tài đầu tư một cấp được thành lập theo các hiệp định bảo hộ đầu tư (BITs) song phương giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU, và trọng tài này kết luận Việt Nam phải bồi thường, thì doanh nghiệp EU có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài này đến Bộ Tư pháp Việt Nam.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển cho tòa án có thẩm quyền của Việt Nam để tòa án căn cứ vào Công ước New York, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Trọng tài 2010 để công nhận và cho thi hành hoặc từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài một cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán EVIPA, EU và Việt Nam đều hiểu được rằng cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, bao gồm cả trọng tài đầu tư một cấp theo các BITs, theo Công ước New York đã ít nhiều tạo cơ hội cho tòa án của các quốc gia lạm dụng áp dụng pháp luật của nước mình để từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài(2).
Do đó, để bảo vệ các doanh nghiệp trước viễn cảnh “mất cả chì lẫn chài” khi vừa bị thiệt hại do các hành vi của quốc gia tiếp nhận đầu tư gây ra, vừa tốn kém chi phí theo đuổi vụ kiện mà không thể thực thi phán quyết, EVIPA đã vô hiệu hóa một phần cơ chế công nhận và thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước New York.
Thay vào đó, việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp của EVIPA sẽ được thực hiện phù hợp với cả Công ước New York và Công ước ICSID, tùy thuộc vào thời gian doanh nghiệp yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp vào thời điểm nào.
Cụ thể, nếu Việt Nam bị các doanh nghiệp của EU khởi kiện lên trọng tài hai cấp của EVIPA và hội đồng trọng tài này kết luận Việt Nam phải bồi thường cho các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp này sẽ yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và thi hành phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế theo cơ chế của Công ước New York trong vòng năm năm kể từ khi EVIPA có hiệu lực (điều 3.57 khoản 3 và 4).
Sau khi hết khoảng thời gian năm năm này, phán quyết của trọng tài hai cấp của EVIPA sẽ được công nhận và thi hành theo điều 52 Công ước ICSID (điều 3.57, EVIPA).
Sau hơn 60 năm thực hiện, Công ước New York đã bộc lộ nhiều khuyết điểm vì các quốc gia có nghĩa vụ công nhận và thi hành phán quyết trọng tài luôn tìm đủ mọi cách từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết.
Đối với các tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia có chủ quyền, tỷ lệ từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài còn cao hơn bởi vì các quốc gia luôn cho rằng họ có quyền lập pháp để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ như, vụ Gazprom kiện Lithuania, tòa phúc thẩm của Lithuania đã từ chối công nhận phán quyết trọng tài với lý do trái với trật tự công cộng của Lithuania vì vi phạm chủ quyền quốc gia của Lithuania(3).
Trong khi đó, theo Công ước ICSID, phán quyết trọng tài lúc này sẽ ràng buộc các bên tranh chấp một cách “tự động” và được cưỡng chế thi hành như phán quyết có hiệu lực của tòa án của chính quốc gia có nghĩa vụ công nhận và thi hành phán quyết (điều 53 Công ước ICSID và được cụ thể hóa tại điều 3.57, EVIPA).
Trong đó, tự động được hiểu là tòa án của EU và tòa án của Việt Nam không được can thiệp vào quá trình công nhận, cho thi hành và, do đó, không có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài hai cấp của EVIPA. Phán quyết của trọng tài hai cấp sẽ chỉ không được thi hành nếu bị hủy bởi hội đồng hủy phán quyết do các bên tranh chấp yêu cầu thành lập trong từng vụ việc cụ thể mà thôi.
Đặc biệt, các tiêu chí hủy phán quyết cũng rất hạn chế, chỉ liên quan đến những vi phạm về trình tự thủ tục như thành lập hội đồng trọng tài không phù hợp; hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền; thành viên hội đồng trọng tài tham nhũng; trình tự tố tụng trọng tài bị vi phạm nghiêm trọng; hay lý do mà hội đồng trọng tài đã dựa vào đó để tuyên phán quyết không được nêu trong phán quyết (điều 52 Công ước ICSID).
Cần phải nói thêm rằng nhiều quốc gia trên thế giới như Bolivia, Ecuador, Venezuela, Argentina... rất lo ngại về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế “tự động” của Công ước ICSID vì nó bảo vệ quá mức các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia và làm hạn chế quyền lập pháp của quốc gia có chủ quyền.
Do đó, các quốc gia này đã xin rút lui khỏi tư cách thành viên của Công ước ICSID để việc thực thi phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế chỉ phải tuân thủ theo yêu cầu của Công ước New York.
Với người viết, thời gian “quá độ năm năm” cho Việt Nam để chuyển từ cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế một cấp “có điều kiện” sang cơ chế công nhận “tự động” là cần thiết bởi vì không thể trong thời gian một sớm một chiều mà có thể áp đặt lên quốc gia đang phát triển như Việt Nam ngay lập tức, sau khi EVIPA có hiệu lực, một nghĩa vụ công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp nặng nề, nghiêm ngặt của Công ước ICSID.
Trong bối cảnh cả hai Công ước New York và Công ước ICSID đều quy định phán quyết trọng tài được công nhận và thi hành là phán quyết của trọng tài một cấp, các quốc gia đã ký kết và phê chuẩn hai công ước này vẫn chưa giải thích gì về việc có mở rộng phạm vi điều chỉnh của hai công ước này sang công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp hay không.
Trên thực tế, chưa quốc gia nào áp dụng hai công ước này để công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài hai cấp. Do đó, gánh lo của doanh nghiệp sẽ được vơi đi như thế nào vẫn còn mơ hồ.
Về phía Việt Nam, các phán quyết của trọng tài quốc tế được thành lập theo EVIPA rõ ràng đã không được dự liệu đến trong Luật Trọng tài 2010 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Để thực thi EVIPA, trong dự thảo nghị quyết cụ thể hóa cơ chế công nhận và thi hành phán quyết trọng tài, Việt Nam quy định phải chờ đợi sự hướng dẫn chi tiết của Tòa án Nhân dân tối cao.
Do đó, để doanh nghiệp thật sự vơi đi gánh lo, Việt Nam trước hết cần sớm hướng dẫn về quy trình công nhận và thi hành phán quyết trọng tài hai cấp của EVIPA trong các văn bản sửa đổi Luật Trọng tài (2010), Bộ luật Tố tụng Dân sự (2015) và nghị quyết chi tiết theo hướng cơ chế “tự động” của Công ước ICSID chỉ là ngoại lệ, sẽ chỉ áp dụng đối với các phán quyết trọng tài hai cấp được thành lập theo EVIPA do các doanh nghiệp của EU khởi xướng chống lại Việt Nam mà thôi, không mở rộng cho hàng trăm quốc gia đã và đang là thành viên khác của Công ước ICSID.
Đối với doanh nghiệp, người viết cho rằng các doanh nghiệp cần kiên nhẫn, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
TS. Lê Thị Ánh Nguyệt