Vietstock - Do Covid-19, hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC bị "tê liệt"
Nhiều kế hoạch kinh doanh được VAMC đặt ra tại đầu năm 2021 như mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mua nợ theo giá thị trị thị trường, xủ lý thu hồi nợ khó có thể hoàn thành...
Từ năm 2020 đến nay, đặc biệt trong 5 tháng gần đây, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp của đại dịch Covid-19.
Hoạt động mua bán nợ đình trệ
Số liệu cập nhật từ VAMC đến 31/10/2021 cho thấy, cơ quan này đã mua nợ theo giá thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỷ đồng, bằng 38,44% kế hoạch cả năm 2021.
Đáng chú ý, VAMC cho biết, kết quả này được thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm (giai đoạn Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh). Sang giai đoạn từ tháng 6/2021 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này.
Hiện tại, tổ chức tín dụng thường sẽ ưu tiên thực hiện bán nợ theo phương thức đấu giá, nếu không đấu giá thành công mới xem xét bán nợ cho VAMC theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội, quá trình triển khai các bước trong quy trình đấu giá trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt có một số tổ chức đấu giá thực hiện niêm yết, thông báo đấu giá, tổ chức trả giá, tổ chức công bố giá… chưa đúng quy định của Luật Đấu giá (Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp đã phải có văn bản chấn chỉnh hoạt động này) dẫn đến các tổ chức tín dụng không thực hiện được việc bán đấu giá khoản nợ.
Sức khỏe của các doanh nghiệp đều bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là yếu tố đầu ra trong hoạt động mua bán nợ, và cũng có tác động trực tiếp đến việc xem xét, quyết định phương án mua nợ (đầu vào) của VAMC. |
Đồng thời, việc triển khai tìm kiếm, phối hợp giữa VAMC với tổ chức tín dụng trong hoạt động mua bán, xử lý nợ hiện cũng chỉ dừng lại ở hoạt động tiếp cận thông tin, chuẩn bị các bước tiếp theo sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội được diễn ra trong trạng thái bình thường mới.
Do đó, có những khoản nợ VAMC đã tiếp xúc, đàm phán với tổ chức tín dụng từ trước tháng 6/2021 và dự kiến sẽ mua nợ theo giá trị thị trường trong quý 3, 4 năm 2021. Thế nhưng đến nay, VAMC vẫn chưa thể mua nợ thành công do các tổ chức tín dụng chưa thực hiện được các thủ tục đấu giá khoản nợ.
Ngoài ra, để hỗ trợ các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ. Nếu xét theo khía cạnh xử lý nợ xấu của VAMC, quy định trên sẽ làm giảm nhu cầu xử lý nợ xấu thông qua việc mua bán nợ với VAMC. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đến thời điểm hiện tại chưa đạt kế hoạch đề ra.
Không chỉ việc mua nợ gặp khó khăn, hoạt động xử lý nợ xấu cũng đang diễn ra rất chậm. Theo đại diện VAMC, mặc dù cơ quan này đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 các khách hàng vay nợ không đảm bảo nguồn thu trả nợ theo dự kiến.
Mặt khác, việc thu hồi tiền từ việc đấu giá tài sản, bán khoản nợ cũng bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, thậm chí có một số đối tác đã đặt vấn đề, tìm hiểu mua khoản nợ, tài sản của VAMC cũng đã tạm dừng triển khai kế hoạch mua khoản nợ, tài sản.
Tính đến 30/9/2021, VAMC xử lý được 18.358 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.
Cố gắng thích ứng với khó khăn
Đầu năm 2021, VAMC xây dựng kế hoạch kinh doanh trong đó đặt mục tiêu mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường 5.000 tỷ đồng, xử lý thu hồi nợ 30.000 tỷ đồng.
Với số liệu của những tháng đầu năm, kế hoạch trên khó có thể hoàn thành. Tuy nhiên, VAMC cho biết sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả cao nhất hoạt động mua bán xử lý nợ từ nay đến cuối năm 2021 thông qua các biện pháp.
Thứ nhất, tăng cường tìm kiếm các khoản nợ của các tổ chức tín dụng ở khu vực phía Bắc để đàm phán mua nợ từ nay đến cuối năm 2021; rà soát danh sách các khoản nợ đang làm việc với nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã phải tạm thời dừng lại.
Trường hợp các địa bàn tỉnh thành liên quan ngừng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, VAMC sẽ triển khai ngay các bước tiếp theo để thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường.
Thứ hai, tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm; tập trung đấu giá tại trụ sở VAMC ở Hà Nội nhằm tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có; thực hiện thông báo đấu giá tại cả 02 địa điểm (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) với những tài sản thực hiện đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá.
Tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn (với các tài sản đấu giá sau 2 lần không thành) để rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp; tập trung đôn đốc, thông báo tới khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau đấu giá thành và hoàn tất bàn giao hồ sơ tài sản cho khách hàng.
Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể sẽ còn kéo dài, cần xây dựng và áp dụng phương án đấu giá trực tuyến để triển khai trong thời gian tới đối với một số tài sản phù hợp để đảm bảo hoạt động đấu giá được thông suốt, không bị gián đoạn.
Vừa qua, VAMC đã đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức từ 15/10/2021. Trụ sở của sàn giao dịch được đặt tại số 22 Hàng Vôi, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Thứ ba, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn trên nền tảng online và ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông về hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, công khai danh mục tài sản bảo đảm do VAMC đang quản lý, đăng thông báo bán đấu giá tài sản, đăng thông báo thu giữ tài sản bảo đảm...lên cổng thông tin điện tử VAMC.
Thứ năm, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình và diễn biến tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động của VAMC, báo cáo kịp thời tới Ngân hàng Nhà nước về tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh, đề xuất các biện pháp khắc phục và điều chỉnh kế hoạch kịp thời và phù hợp với thực tiễn.
Đào Vũ