Vietstock - Công nghiệp ôtô trong nước mới sản xuất được săm, lốp
Ngành ôtô Việt Nam vẫn đang phát triển "lẹt đẹt" khi tỷ lệ nội địa hoá thấp, những phần tự làm được có hàm lượng công nghệ rất ít như săm, lốp, ghế ngồi, bộ dây điện...
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, bức tranh ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước một lần nữa được Bộ Công Thương nêu rõ nét. Theo Bộ này, hiện Việt Nam có nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực. Nhờ đó, tương quan về sản lượng giữa xe lắp ráp, sản xuất trong nước và nhập khẩu trong ngắn, trung hạn sẽ thay đổi theo hướng tăng về số lượng xe nội địa.
Tuy nhiên, lợi thế trên đang mất dần do lượng xe nhập khẩu ngày càng tăng, như năm 2019 xe nhập về Việt Nam đã tăng 70% so với 2018, chủ yếu từ các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Bộ Công Thương, hạn chế của ngành sản xuất ôtô nội địa là giá bán cao so với các nước trong khu vực. Hiện chi phí sản xuất mặt hàng này cao hơn các quốc gia trong khu vực 10-20% khiến giá thành xe nội chịu nhiều bất lợi so với xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN khi các hàng rào thuế quan đã gỡ bỏ. "Do quy mô sản xuất nhỏ, cùng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển khiến giá thành ôtô sản xuất trong nước cao", Bộ Công Thương đánh giá.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi hiện nay cũng thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo Bộ Công Thương, đến nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa thì mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...
Sản xuất khung vỏ ôtô con tại Nhà máy Ôtô Vinfast. Ảnh: Cao Tuấn.
|
Bộ Công Thương cũng cho rằng, ngành ôtô đến này vẫn kém phát triển do Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp đi sau các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ. Chúng ta cũng chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành này; dung lượng thị trường đối với ngành ôtô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực ngành ô tô còn thấp; công tác nghiên cứu, phát triển chưa được quan tâm; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho ngành.
Để phát triển ngành ôtô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hoá, hạ giá thành sản phẩm, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, trong đó giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất được trong nước. Việc này sẽ khắc phục bất lợi về giá giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu, cũng như khuyến khích tăng tỷ lệ giá trị nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ôtô.
Trước đó, cơ quan này cũng đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô trong nước cũng như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm này đến hết năm 2020 để kích cầu thị trường trong bối cảnh ế ẩm do Covid-19. Nhưng đề nghị này không được Bộ Tài chính đồng ý với lý do sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu. Phản hồi sau đó, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm muốn giảm, giãn các loại phí, thuế này.
Anh Minh