Chủ tịch Agribank chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sáng 14/3. Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sáng 14/3, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn đã chỉ ra một số vướng mắc khiến cho tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, thậm chí giảm trong 2 tháng đầu năm tại các ngân hàng.
Theo Chủ tịch Agribank, thực tế đang diễn ra hiện nay là giữa các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng lý giải cho việc, mặc dầu doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.
“Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác”, ông Phạm Đức Ấn nêu lên thực tế.
Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn |
Lý giải tín dụng giảm dù ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất và thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng, ông Phạm Đức Ấn chỉ ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất là do yếu tố mùa vụ đặc thù. Đơn cử, với Agribank, khách hàng đến vụ thu hoạch bán sản phẩm trả nợ ngân hàng, vay bán hàng phục vụ cho dịp Tết nguyên đán có tiền bán hàng trả nợ, thậm chí gửi tiền vào ngân hàng và chưa vào vụ gieo trồng nên chưa có nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có nhu cầu vay vốn.
Thứ hai, với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước, người dân thận trọng, thắt chặt chi tiêu, ảnh hướng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, từ đó tín dụng cũng không tăng trưởng được.
Thứ ba, đâu đó còn có yếu tố nguyên nhân chủ quan từ ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nhà nước đã đề cập, liên quan đến thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn trong cho vay, hoặc yêu cầu về tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân trọng yếu.
>> Tín dụng BĐS, chứng khoán tăng trưởng trong khi hầu hết ngành nghề sụt giảm trong 2 tháng đầu năm