Vietstock - Chi 3,8 tỉ USD mua 60% vải may từ Trung Quốc
Trung Quốc hiện là quốc gia cung cấp vải may mặc cho Việt Nam lớn nhất, chiếm gần 60% tổng lượng vải nhập của cả thị trường.
|
Tính toán số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 3,8 tỉ USD mua vải từ Trung Quốc, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái. Sau Trung Quốc là Hàn Quốc với gần 16% trong tổng kim ngạch nhập vải, đạt hơn 1 tỉ USD, giảm 4,6% so cùng kỳ. Kế đó là vải từ thị trường Đài Loan chiếm 12%, đạt gần 977 triệu USD; vải từ Nhật chiếm 5,8% đạt hơn 382 triệu USD... Trong nửa đầu năm, nhóm hàng vải may mặc các loại nhập vào Việt Nam chiếm 5,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước, đạt 6,56 tỉ USD.
Địa phương "sợ" các dự án đầu tư dệt nhuộm
Với tỷ lệ vải nhập lớn như nói trên, lo ngại việc Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi về thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hoàn toàn có thật. Thuế quan theo quy định trong EVFTA được cam kết cắt giảm rất sâu, với ngành may mặc, nguyên liệu phải đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải và được cộng dồn cả vải của các nước đã từng ký hiệp định tự do với EU như Hàn Quốc. Quy tắc cộng gộp chỉ chấp nhận sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng vải được làm từ Việt Nam vẫn đảm bảo quy tắc xuất xứ để xuất hàng may mặc sang EU. Như vậy, cứ phụ thuộc vải nhập từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA như kỳ vọng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thông tin tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM (HM:HCM) vào cuối tháng 7 vừa qua, với quy định xuất xứ từ vải trong EVFTA, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam sang EU gặp nhiều thách thức do nguồn nguyên liệu vải của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, không phải thành viên EVFTA nên không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Ông Giang cho rằng, đây là vướng mắc lớn của ngành dệt may Việt.
“Để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ và các địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung thiếu hụt. 3 năm qua, có một số dự án dệt nhuộm công nghệ cao từ châu Âu, Mỹ vào Việt Nam như năm 2018 có 1 tập đoàn từ Đức đầu tư nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, tập đoàn của Israel, Mỹ... làm dự án dệt ở Bình Định, nhuộm ở Nam Định. Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong nước chủ động được nguyên phụ liệu đầu vào hơn. Nếu giảm phụ thuộc vải từ Trung Quốc, chúng ta sẽ thu hàng tỉ USD lợi từ đơn hàng dệt may sang EU trong tương lai gần", ông Giang phân tích.
Tuy nhiên, có một thực trạng rất lớn hiện nay của các địa phương là lo ngại ô nhiễm môi trường, nhiều địa phương từ chối các dự án đầu tư dệt, nhuộm, ông Giang thông tin và cho rằng, nhiều nhà đầu tư công nghệ xử lý nước thải trong dệt nhuộm bằng công nghệ tiên tiến, không thể đánh đồng cứ dự án dệt nhuộm là ô nhiễm để làm tuột mất cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu ngành dệt may trong tương lai gần. Ông bổ sung: “Trong FTA với EU, các nước rất chú trọng khắt khe những tiêu chuẩn, vấn đề liên quan môi trường, lao động… nếu doanh nghiệp không tuân thủ cũng không bán được hàng sang các thị trường này”.
Nguyên Nga