Vietstock - Cần cứu doanh nghiệp khi còn sống sót!
Quy định doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng nếu 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh theo các doanh nghiệp là điều kiện quá khó và đến nay đều không thực hiện được.
Khi đã rơi vào tình trạng như trên thì xem như doanh nghiệp đã ở trong tình trạng gần kiệt quệ hoặc rơi vào tình thế "chết lâm sàng", khó có thể còn kịp cứu được nữa. Mặt khác việc tiếp cận những chính sách hỗ trợ theo các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Ngành sản xuất giày dép luôn chiếm lượng lớn lao động tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Website tập đoàn Gia Định
|
Cụ thể căn cứ vào Công văn 860/BHXH-BT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khiến trên 50% lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất) để tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM), cho rằng điều kiện như trên để nhận được sự hỗ trợ là quá khắt khe và không hợp lý.
Do chủ yếu làm gia công lại cho doanh nghiệp may mặc lớn làm hàng xuất khẩu và cung ứng quần áo cao cấp cho thị trường nội địa nên khi xảy ra dịch bệnh thì đơn hàng và doanh thu của Bình Hòa thực hiện cũng bị sụt giảm hơn 60%.
Hiện hơn 20% trong số hơn 100 người lao động làm việc tại Bình Hòa đã nghỉ việc. Và Theo ông Ngọ, với tình hình đơn hàng bị sụt giảm mạnh như hiện nay thì số người lao động buộc nghỉ việc phải nhiều hơn. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động và tạo công ăn việc làm cho người lao động trong khó khăn này, Bình Hòa đã xoay xở chuyển sang sản xuất khẩu trang và may quần áo cho các tiểu thương ở chợ.
Theo ông Ngọ, trong khó khăn mà doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ lực lượng lao động là cần được khuyến khích hơn là đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, quy định đưa ra để được hỗ trợ cần phải hợp lý hơn. Theo ông Hòa, chính sách này vô tình khiến doanh nghiệp phải “đẩy người lao động ra đường” nhiều hơn.
Tương tự, nêu khó khăn tại hội thảo "Hồi phục, bứt phá và tăng tốc phát triển ngành gỗ sau đại dịch" gần đây, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ cũng cho rằng quy định được hỗ trợ như Công văn 860/BHXH-BT là không hợp lý.
Bởi lẽ khi 50% số lao động nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh thì lúc đó đã bị kiệt quệ rồi, khó có thể "cứu" được nữa. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất cần phải có chính sách hợp lý để hỗ trợ khi doanh nghiệp đang còn sống sót.
Đề cập về nội dung quy định trong Công văn 860/BHXH-BT, tại tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM 2020" vào ngày 5-5 vừa qua, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho rằng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp phản hồi đều không được thực hiện.
Bởi theo bà Chi, quy định này không chỉ với ngành chế biến thực phẩm, mà đối với doanh nghiệp dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics,... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người mất việc và doanh nghiệp đó cũng có nguy cơ gần như đã "chết lâm sàng".
Với nguy cơ này theo bà Chi, gần như doanh nghiệp sẽ cận kề phá sản và không thể vực lại được sau Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, doanh nghiệp không thể xoay xở nguồn vốn để đóng các khoản phí, bà Chi nêu khó khăn.
Cũng theo người đứng đầu của FFA, khi đợi doanh nghiệp cắt giảm 50% lao động thì có lẽ không còn doanh nghiệp để hỗ trợ và khi đó, gánh nặng sẽ đè lên các quỹ bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm thất nghiệp còn nặng hơn, chưa kể thiệt hại tới cả nền kinh tế.
Mặt khác, chính sách trên có thể khuyến khích doanh nghiệp có thể cho người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương để đạt chỉ tiêu này.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp việc chứng minh thiệt hại 50% như quy định cũng vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. Hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai (vì hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngừng...đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai). Việc chứng minh thiệt hại đó có thể kéo dài hàng năm.
Ngành may mặc chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: Thành Hoa.
|
Ngoài ra, đại diện các hội ngành nghề và doanh nghiệp cho biết nhiều doanh nghiệp đã biết đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền các địa phương, nhưng số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng còn chưa nhiều.
Chia sẻ tại Hội thảo Hồi phục, bứt phá và tăng tốc phát triển ngành gỗ sau đại dịch, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng các doanh nghiệp trong ngành chưa nhận được hỗ trợ theo các chính sách Chính phủ đã đưa ra.
Cụ thể Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành từ ngày 8-4 nhưng theo ông Lập các doanh nghiệp vẫn nhận thông báo nộp thuế liên tục.
Tương tự, theo bà Lý Kim Chi, căn cứ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiêp, dù đến nay một số doanh nghiệp đã được tiếp cận, song quá trình thực hiện trong thời gian qua cho thấy nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay khắt khe hơn trước, thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà, đối tượng áp dụng không rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.
Theo bà Chi, trong tình hình dịch bệnh, việc sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm rất cần được ưu tiên hấp thụ vốn để gia tăng sản xuất...
Bà Chi kiến nghị UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ tăng cường xây dựng chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn do dịch, không nên xây dựng chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã gần kiệt quệ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thực tế những hỗ trợ của Nhà nước khi đến với doanh nghiệp thì họ đã quá khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn nữa. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ khác như giãn nợ, giảm nợ, hỗ trợ lãi vay... tác động không lớn và hiệu quả không cao.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp giày dép, doanh nghiệp hiện nay chỉ sống được theo ngày. Chính sách càng chậm thì số doanh nghiệp chết càng lớn. Đừng để tới khi chính sách đến nơi thì doanh nghiệp chết rồi. Những doanh nghiệp còn sống thì họ lại không cần hỗ trợ đó nữa.
Lê Hoàng