Theo Hoang Nhan
Investing.com - Theo thông báo ngày 6/3 của Bộ Tài chính Nga, việc thanh toán trái phiếu chính phủ của nước này sẽ tùy thuộc vào các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Bộ Tài chính Nga cho biết khả năng thanh toán gốc và lợi suất trái phiếu đầy đủ và đúng hạn bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế mà cộng đồng quốc tế thực hiện đối với nước này.
Điều này đưa đến khả năng Nga vỡ nợ về mặt kỹ thuật khi phần lớn lượng dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 640 tỷ USD bị phương Tây đóng băng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Nhà kinh tế Stephen Roach cảnh báo nếu Nga không thanh toán bất kỳ khoản nợ công nào do hệ quả của chiến sự tại Ukraine, tác động sẽ lan sang các thị trường mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc.
“Nếu Nga không thanh toán nợ công hoặc vỡ nợ... tác động sẽ lan tỏa trên diện rộng đến nợ chính phủ ở các thị trường mới nổi trên thế giới và Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ”, ông nói.
Ông Roach là một học giả cấp cao tại Đại học Yale. Ông bổ sung rằng: “Trung Quốc không có đủ khả năng để duy trì liên kết chặt chẽ với Nga trong bối cảnh Nga đang tiến hành một chiến dịch thực sự kinh khủng nhằm vào những người Ukraine vô tội”.
“Trung Quốc chia tay với Nga càng sớm thì càng tốt - và chúng ta sẽ phải chờ và theo dõi quá trình này thật chặt chẽ”, ông nói.
Ngay sau khi Moscow tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với khoản nợ công của Nga cũng như các ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương của nước này. Kể từ đó, các cơ quan xếp hạng lớn Fitch, Moody’s và S&P đã hạ xếp hạng nợ công của quốc gia này xuống trạng thái “rác”, cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể làm suy yếu khả năng trả nợ của Nga.
Trung Quốc cho biết họ sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Trong khi đó, các nhà cung cấp chỉ số toàn cầu lớn là MSCI và FTSE Russell đã thông báo vào tuần trước rằng chứng khoán Nga sẽ bị rút khỏi tất cả các chỉ số của họ. MSCI cũng thông báo rằng họ sẽ phân loại lại các chỉ số MSCI Nga thành “các thị trường độc lập” thay vì các thị trường mới nổi.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp Nga niêm yết tại London đã sụp đổ vào tuần trước, trước khi thị trường chứng khoán London ban bố lệnh tạm ngừng giao dịch với 27 cổ phiếu của doanh nghiệp Nga. Tuy nhiên, gần như toàn bộ giá trị của các cổ phiếu này đã bị xóa sổ vào thời điểm lệnh đình chỉ được công bố vào thứ Năm.
Giá dầu cao gây ra "lạm phát đình trệ"
Giá dầu tăng sáng thứ Hai tại châu Á sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và các đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Dầu thô của Mỹ có thời điểm tăng gần 9% lên trên 130 USD / thùng, trong khi dầu Brent tăng tới 9% lên khoảng 128 USD / thùng. Cả hai đều đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008. Dầu thô của Mỹ gần đây được giao dịch cao hơn 7,49% ở mức 124,35 USD, trong khi dầu Brent tăng 8,85% lên 128,56 USD.
Sau Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới. Đây cũng là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thị trường toàn cầu.
Roach nói với CNBC rằng giá dầu cao hơn "chắc chắn sẽ tạo ra lạm phát đình trệ".
Lạm phát đình trệ là tình trạng khi nền kinh tế hầu như không phát triển nhưng lại ghi nhận lạm phát tăng mạnh. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi một cú sốc giá dầu kéo dài tạo ra một thời kỳ giá cả tăng nhưng tăng trưởng GDP giảm mạnh.
“Tình trạng lạm phát đình trệ chắc chắn gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới… và khả năng lãi suất sẽ tăng mạnh trở nên cao hơn. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải xem liệu xu hướng này có kéo dài trong nhiều năm như giai đoạn cuối những năm 70 và đầu những năm 80 hay không”, ông Roach nói.