Vietstock - Bội chi ngân sách vẫn tăng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để Chính phủ trình Quốc hội với con số bội chi tiếp tục tăng.
Chi thường xuyên quá lớn cho thấy bộ máy nhà nước còn cồng kềnh. Ảnh: Ngọc Dương |
Đề xuất năm 2020 chi vượt thu 234.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính ước tính số chi NSNN cả năm 2019 là khoảng 1,666 triệu tỉ đồng, tăng 33.500 tỉ đồng so với kế hoạch. Bao gồm chi thường xuyên cả năm đạt 1,005 triệu tỉ đồng, tăng 6.430 tỉ đồng so với dự toán. Bên cạnh đó, chi đầu tư phát triển theo dự toán cả năm nay là 429.300 tỉ đồng nhưng 9 tháng 2019 chỉ mới chi được 44,8% số này. Số còn lại là chi trả nợ lãi cả năm là 124.880 tỉ đồng. Trong khi đó ở chiều thu NSNN, cả năm nay ước đạt 1,457 triệu tỉ đồng, tăng 46.000 tỉ đồng so với kế hoạch. |
Theo Bộ Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2019 là 209.500 tỉ đồng, bằng 3,4% GDP, tăng thêm 18.000 tỉ đồng so với năm 2018. Chuẩn bị cho năm 2020, Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ bội chi NSNN năm 2020 là 234.800 tỉ đồng, bằng 3,44% GDP, tương ứng tăng 25.300 tỉ đồng so với bội chi năm nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng công bố dự kiến đến hết năm 2019, dư nợ công bằng 56,1% GDP và đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP. Tỷ lệ này đã giảm so với năm 2018 là 58,4% GDP. Tổng mức vay của NSNN ước cả năm 2019 là 407.720 tỉ đồng và năm 2020 theo kế hoạch sẽ vay 488.921 tỉ đồng.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận xét tỷ lệ bội chi và nợ công của VN giảm xuống mà nguyên nhân chính là do Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017 bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Nếu xét về con số tuyệt đối thì bội chi NSNN và nợ công vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu NSNN thời gian qua cũng gia tăng khá nhanh do Bộ Tài chính đã tìm nhiều cách để quyết liệt thu thuế. Nhưng vấn đề chi của nhà nước lại hầu như không có nhiều chuyển biến, trong đó chi thường xuyên vẫn ở mức quá cao. Điều này phản ánh về việc bộ máy nhà nước cồng kềnh, tốn kém mà không hiệu quả, thể hiện qua mức lương của từng cán bộ viên chức nhà nước rất thấp nhưng số người hưởng lương ngân sách quá nhiều. Từ đó phát sinh tệ nạn tham nhũng, chung chi hay tăng lương, đề bạt cán bộ không chuẩn xác.
“Hàng loạt chi phí cho bộ máy nhà nước chỉ có ở VN mà nhiều nước khác không có như xe công. Hay tình trạng mỗi tỉnh, mỗi bộ ngành đều có nhà khách riêng kèm theo chi phí tiếp tân, tiếp khách là sự lãng phí quá lớn. Hoặc cứ công trình nào khởi công, khánh thành cũng phải có công chức bộ ngành tham dự; rồi kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành hay bộ ngành đều tổ chức rình rang... Tất cả những chi phí này dồn vào ngân sách nên cần phải cắt bỏ hết”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều khoản “xài sang” cần cắt
Cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ chi thường xuyên của VN quá lớn, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, liệt kê một số chi phí bất thường đã làm “đội” số tiền ngân sách. Ông trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN mới đây cho biết đơn vị này mỗi năm vẫn được nhà nước cấp cho 85 tỉ đồng. Hay như quy định các thứ trưởng đều được đi vé hạng thương gia cho cả chặng bay ngắn như đi từ Hà Nội vào Vinh. Thậm chí từ Hà Nội vào TP.HCM (HM:HCM) chưa đến 2 giờ thì có cần thiết phải đi vé hạng thương gia hay không? Trong khi theo quy chế của Liên Hiệp Quốc, chỉ khi nào bay trên 7 giờ mới cần vé hạng thương gia vì để hôm sau đến nơi đủ sức khỏe vào làm việc luôn. “Tôi từng chứng kiến cùng một chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế đều đi hạng phổ thông nhưng các thứ trưởng của ta vẫn đi vé thương gia trong khi mình lại đi xin tiền các tổ chức này. Việc này rất khó coi”, ông Doanh nói.
Đánh giá việc công khai tình hình chi tiêu ngân sách đã có tiến bộ hơn trước nhưng theo ông Doanh, các số liệu nên được công khai chi tiết hơn nữa thay vì chỉ công bố phần chi của các bộ ngành và địa phương nói chung. Nhiều nước như Hàn Quốc, Thụy Điển, báo cáo thu chi NSNN dày lên đến 2.000 trang, trong đó nêu rõ số chi của từng lãnh sự quán là bao nhiêu. “Chúng ta nên xem xét lại việc chi cho một số tổ chức, hội đoàn như chỉ chi cho từng công việc, chương trình cụ thể có ích cho cộng đồng, cho xã hội chứ không phải chi để nuôi bộ máy của hội. Đồng thời nghiên cứu, cắt giảm các chi phí không cần thiết như vé hạng thương gia ở chặng bay trong nước và cập nhật các quy định theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, việc công khai thu chi NSNN càng chi tiết càng minh bạch”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng VN vẫn chấp nhận bội chi trong bối cảnh cần đầu tư phát triển nhưng phải xem xét lại các khoản chi thường xuyên để mạnh dạn cắt bớt nhiều khoản chi chưa hợp lý. Thay vào đó để dành tiền cho trả nợ và đầu tư lớn hơn bởi đầu tư công sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế. Đồng thời cần đảm bảo hệ số an toàn nợ công trong vòng 5 năm tới. Đó là số nợ mỗi năm mà VN phải chi trả là bao nhiêu và phải giám sát để hệ số này giảm xuống theo từng năm. Tuy nhiên để làm được điều này thì phải thực hiện giảm chi để Chính phủ không thể tăng đi vay bù đắp khi ngân sách bị thiếu hụt.
Mai Phương