Vietstock - Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT (HM:FIT) điện gió đến hết năm 2023
Mới đây, Bộ Công Thương mới có văn bản gửi các Bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió, trong đó đề xuất kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió đến hết năm 2023.
Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT điện gió đến hết năm 2023 (Ảnh minh hoạ)
|
Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nêu, trong thời gian qua, Bộ đã nhận được các báo cáo của UBND 10 tỉnh, Hiệp hội điện gió thế giới, phòng thương mại Châu Âu...đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 cho các dự án vào vận hành thương mại đến năm 2022- 2023 (gia hạn 1-2 năm)
Các nguyên nhân được chỉ ra cụ thể như: Sau thời điểm Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có hiệu lực (1/11/2018), hoạt động đăng kí đầu tư và bổ sung qui hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị ngừng trệ hơn một năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện.Nhiều dự án đã được bổ sung quy hoạch vào tháng 12/2019 với công suất 7000 MW (Nghị quyết 110 của Chính phủ ngày 2/12/2019) cần thời gian triển khai khoảng 2-3 năm trong khi thời hạn hiệu lực còn lại của cơ chế giá điện cố định theo qui định tại Quyết định 39 không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động, chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án điện gió.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió trong qui hoạch phát triển tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án trên biển, gần bờ. Các dự án trên biển sử dụng công nghệ và giải pháp kĩ thuật, thi công khác do với turbine lắp đặt trên bờ. Vì vậy yêu cầu về thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng dài hơn (trên bờ khoảng 2 năm, trên biển gần bờ khoảng 3-3.5 năm).
Đồng thời các qui định về xác định khu vực biển, cấp giấy pháp sử dụng khu vực biển khá phúc tạp, hiện chưa có qui định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển...dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng chi phí đối với cá dự án trên biển.
Ngoài ra, do dịch COVID-19 kéo dài toàn cầu đã và đang tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Trên cơ sở đề xuất và căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương cho rằng, việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 là phù hợp, đảm bảo kịp thời huy động phát triển nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống. Bên cạnh đó, sẽ tác động đối với chi phí huy động điện toàn hệ thống như giảm chi phí sản xuất của Tập đoàn iện lực Việt nam từ 103 - 1.35 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020-2030; phát triển thị trường thiết bị, dịch vụ và vốn đầu tư nước ngoài cũng như thay thế một phần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường.
Theo đề xuất, giá mua bán điện gió cho cơ chế giá FIT (áp dụng từ 1/11/2021) đối với dự án đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ có giá 7,02 UScent/kWh (dự án trên bờ); 8.47 UScent (dự án trên biển); đối với dự án đưa vào vận hành trong năm 2023 có giá tương ứng với các loại hình lần lượt là 6.81 UScent và 8.21 UScent.
Đối với các dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ đầu tư và có ngày vận hành thương mại sau năm 2023, dự kiến áp dụng tỉ lệ giảm giá lũy kế theo tỷ lệ 2.5% sau mỗi quí, tính từ tháng 2/2024.
Do đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 đến hết năm 2023. Đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ, ngành tính toán giá mua bán điện áp dụng từ tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2023 cho các dự án điện gió và thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung các nội dung này tại Quyết định 39 theo qui định hiện hành, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Các ý kiến đóng góp cho dự thảo, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành hoàn thành trước ngày 30/10 để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhật Quang