Vietstock - 8 ngày sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, Hà Nội "hỏa tốc" bàn cách xử lý
Cuộc họp diễn ra khi vụ cháy đã qua 8 ngày, và hạn chế báo chí.
Công nhân hạn chế hậu quả vụ cháy bằng cách phủ bạt để tránh thủy ngân phát tán khi nắng lên |
Sau khi Bộ TN-MT có thông báo chính thức về một số điểm có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chiều 5.9, UBND TP.Hà Nội có cuộc họp để xử lý hậu quả vụ cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).
Cuộc họp diễn ra khi vụ cháy đã qua 8 ngày, và hạn chế báo chí. Tham dự cuộc họp còn có đại diện người dân, chính quyền địa phương, Bộ TN-MT, doanh nghiệp.
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học VN (gọi tắt Viện Hàn lâm) thông tin đã nhận được rất nhiều đơn thư kiến nghị của người dân về việc giải quyết hậu quả vụ cháy. PGS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm), cũng nói nhiều đơn thư đã được gửi tới Viện Hàn lâm. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí cũng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của một số hộ dân ở P.Hạ Đình. Ngược lại, theo báo cáo của lãnh đạo Q.Thanh Xuân và các ban, ngành của Hà Nội, tình hình “rất ổn định”, thông tin “đã được công khai kịp thời đến nhân dân”. “Hôm nay đúng ngày khai giảng, trường gần nhất, theo khuyến cáo là Tiểu học Hạ Đình, có 1.300 học sinh (HS) thì 1.173 HS đi khai giảng bình thường. Theo thông tin của Sở TN-MT và Bộ TN-MT về không khí là vẫn đảm bảo an toàn. Bà con quan tâm trước mắt là không khí; còn dưới đất, dưới nước là việc tiếp theo”, Chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết.
Nhiều hàng quán đã phải chuyển địa điểm do ảnh hưởng vụ cháy |
Chính quyền không lường hết tác hại khủng khiếp của vụ cháy
Ông Lưu cũng khẳng định: “Lãnh đạo Q.Thanh Xuân đã công bố công khai kịp thời với nhân dân. Kết quả đến đâu, chúng tôi công khai đến đấy và hoàn toàn tôn trọng ý kiến của cơ quan chuyên môn...”. Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một số chuyên gia cho rằng chính quyền Hà Nội đã xử lý theo kiểu “tư duy bao cấp”, chậm trễ trong cảnh báo khiến tâm lý người dân hoang mang. Ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng qua kết quả các mẫu phân tích do Bộ TN-MT thông báo, tồn dư thủy ngân trong không khí chắc chắn phát sinh từ vụ cháy. “Có lẽ hàm lượng vượt ngưỡng nhỏ, tính đến miligram trong m3 không khí mà trước đó các máy đo của Hà Nội đã không đủ khả năng phát hiện; cán bộ không đủ kinh nghiệm thao tác, đánh giá nhưng Q.Thanh Xuân căn cứ vào đây để ra kết luận “môi trường an toàn” là vội vàng. Khi Q.Thanh Xuân đã kết luận vội vàng như thế khiến người dân phòng bị không đầy đủ; một số người lạc quan quá lại thành chủ quan...”, ông Loãn phân tích. Theo ông Loãn: “Điều này thể hiện sự yếu kém về năng lực, non kém về kinh nghiệm quản lý và rõ ràng đây là biểu hiện tư duy quản lý thời bao cấp cũ. Phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ để người dân yên tâm, chứ không phải ém nhẹm đi”. PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng đánh giá trong trường hợp này, các cơ quan chức năng “vào cuộc chậm trễ”.
|
|
Vẫn “tranh cãi khác nhau” về ảnh hưởng của thủy ngân
PGS Vũ Đức Lợi lưu ý việc cảnh báo thủy ngân vượt chuẩn 20 - 30 lần là thông tin “rất kinh khủng”. “Hôm nay tôi rất muốn nghe lại chúng ta lấy ngưỡng (an toàn thủy ngân) ở đâu? Nếu lấy ngưỡng của WHO 1 microgam/m3, thì quy chuẩn của VN cao hơn của WHO, vì chúng ta là 0,3 microgram/m3. Hôm qua Bộ TN-MT cảnh báo có chỗ vượt 20 - 30 lần so với tiêu chuẩn của WHO, đó là thông tin rất kinh khủng. Viện Hàn lâm nhận được rất nhiều đơn của người dân; chắc Hà Nội cũng thế. Tôi rất muốn xem chúng ta chọn ngưỡng nào để cảnh báo kịp thời cho người dân”, ông Lợi nói.
Sau ý kiến này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị CQĐT trưng cầu kết quả độc lập từ Viện Hàn lâm; vừa là kết quả đối chứng, vừa nhằm thống nhất khuyến cáo theo tiêu chuẩn VN hay của WHO. Cũng theo ông Chung, do “còn tranh cãi khác nhau liên quan sự ảnh hưởng của thủy ngân lỏng và chất amalgam”, nên đề nghị CQĐT ra quyết định trưng cầu các cơ quan chuyên môn “có trang thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất để đưa ra thông số chính xác nhất”, coi đấy là kết quả quan trắc chính xác nhất về vụ việc. Trên cơ sở kết quả điều tra, khẩn trương làm rõ nguyên nhân để Công ty Rạng Đông phải thu gom, xử lý ngay tất cả tro tàn, hậu quả của vụ cháy còn lại để tiêu hủy, sau đó thực hiện các biện pháp tiêu độc.
Công khai, minh bạch để dân cùng bàn, lựa chọn 8 ngày sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, chiều 5.9, UBND TP.Hà Nội có công văn “hỏa tốc” về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại khu vực Hạ Đình, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân. Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH TP.Hà Nội khóa 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường, cho rằng chính quyền Hà Nội đã chưa lường hết hậu quả khủng khiếp về môi trường trong sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông nên chưa có cách ứng phó, xử lý kịp thời; trong khi điều duy nhất được đánh giá cao chính là văn bản khuyến cáo ban đầu của P.Hạ Đình ngay sau vụ cháy, lại bị thu hồi vì lý do rất khó hiểu. Giải pháp ngay lúc này là chính quyền Hà Nội phải huy động cơ quan y tế, môi trường kiểm tra sức khỏe cho người dân và đánh giá mức độ ô nhiễm do thủy ngân phát tán vào môi trường để đưa ra biện pháp khắc phục sớm, từng bước xử lý, giải quyết cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là các chỉ số về mức độ ô nhiễm và giải pháp đưa ra cần phải công khai, minh bạch để dân cùng bàn và lựa chọn. Lê Hiệp |
Người có mặt tại hiện trường lúc cháy cần được khám sức khỏe Chiều 5.9, Bộ Y tế đã họp với đại diện một số bệnh viện, chuyên gia chống độc, đại diện Sở Y tế Hà Nội về công tác y tế sau đám cháy tại Công ty Rạng Đông. Tại cuộc họp, các chuyên gia lưu ý, những người có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân là những người trực tiếp có mặt trong khuôn viên nhà máy lúc xảy ra cháy (người lao động, người tham gia cứu hộ, cứu nạn). Các chuyên gia y tế khuyến cáo những người trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xử lý môi trường tại khu vực xảy ra cháy cần được kiểm tra và theo dõi sức khỏe; người lao động của công ty có mặt trong khuôn viên nhà máy lúc xảy ra cháy cần được khám sức khỏe để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Với người dân sống và làm việc trong khu vực bán kính 500 m tính từ hàng rào công ty trong thời gian xảy ra cháy không nên quá lo lắng. Ngoài ra, người dân nên sử dụng nước máy cho mục đích ăn uống sinh hoạt, không nên thu gom và sử dụng nước mưa, nước giếng khoan trong giai đoạn này. Nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên đến các điểm tư vấn do Sở Y tế Hà Nội thành lập đặt tại trạm y tế các phường: Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Thượng Đình, Kim Giang để được hướng dẫn và theo dõi sức khỏe. Nam Sơn |
V.Hân - P.Hậu - L.Quân