Investing.com -- Báo cáo của VIS Rating cho thấy, tháng 9/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2021 không ghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới nào, đưa tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 3/2024 về mức thấp 1.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VIS Rating, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 3/2024 là 1.700 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14.900 tỷ đồng.
Với diễn biến tích cực này, tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 9/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,8% so với 14,9% của tháng trước. Đáng chú ý, khoảng 62% giá trị chậm trả lũy kế vẫn thuộc nhóm bất động sản và nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 30%.
Mặt khác, trong tháng 9/2024, 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản và nhà ở, năng lượng và xây dựng đã hoàn trả tổng cộng 781 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Trong đó, 70% giá trị hoàn trả đến từ các công ty thuộc nhóm ngành bất động sản và nhà ở, bao gồm Công ty TNHH Saigon Glory và CTCP Đầu tư Hải Phát. Tỷ lệ thu hồi chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng 0,3% lên 21,2% vào cuối tháng 09/2024.
Ngoài ra, các hoạt động tái cấu trúc trái phiếu chậm trả được công bố bao gồm CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương, CTCP Đầu tư năng lượng Hoàng Sơn, CTCP BB Power Holdings, CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương, Công ty TNHH NOVA Thảo Điền, Công ty TNHH Saigon Glory, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va...
Cũng theo báo cáo của VIS Rating, trong tháng 10/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 15.300 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng trước là 24.500 tỷ đồng.
"Trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 10/2024, có 8 trái phiếu với tổng mệnh giá lưu hành là 420 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong đó, 6 trái phiếu đã chậm trả trước đó và 2 trái phiếu của 2 trái chủ phát hành với tình hình tài chính yếu kém và đã có lịch sử chậm trả đối với trái phiếu khác," VIS Rating nhận định.
Trong vòng 12 tháng tới, theo VIS Rating, có khoảng 45% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành bất động sản và nhà ở. Ước tính 42.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong thời gian này có nguy cơ chậm trả nợ gốc phát sinh mới.
Liên quan đến thông tin trái phiếu phát hành mới, trong tháng 9/2024, lượng trái phiếu phát hành giảm xuống 55.900 tỷ đồng, từ mức 63.000 tỷ đồng trong tháng 8/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 45.200 tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.
Danh sách phát hành mới trong tháng 9/2024 có các tên tuổi như Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HM:STB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc, Công ty Đầu tư và Phát triển BĐS Phát Đạt (HM:PDR), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư TDG Global…