Không hẳn ai 'tín đồ' lâu năm thẻ tín dụng cũng biết những điều sau đây. Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng và phải trả 8,8 tỷ đồng của một khách hàng tại Eximbank (HM:EIB) Chi nhánh Quảng Ninh đến nay vẫn chưa ngã ngũ khiến nhiều vẫn đang hoang mang về tấm thẻ tín dụng. Vậy dưới đây là 10 thông tin bạn cần biết về thẻ tín dụng.
1. Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người sở hữu sử dụng để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ “mượn” ngân hàng một số tiền để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ hoặc một phần số tiền đã mượn cho ngân hàng.
Người sử dụng có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán trực tiếp thông qua máy quẹt thẻ POS, thanh toán trực tuyến bằng ứng dụng của ngân hàng hoặc liên kết với các ví điện tử.
2. Hạn mức tín dụng là gì?
Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà các ngân hàng cho cá nhân hay các tổ chức vay. Các tổ chức tài chính như ngân hàng hay các công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng dựa trên uy tín và khả năng đảm bảo chi trả của từng khách hàng. Khả năng đảm bảo chi trả được xác định dựa trên tổng hợp nhiều thông tin khác nhau như: thu nhập, tình hình chi tiêu, địa vị xã hội… Do đó, mỗi khách hàng có những hạn mức tín dụng khác nhau.
3. Phí chậm trả là gì?
Nếu đến “Ngày đến hạn thanh toán” mà Chủ thẻ chưa thanh toán ít nhất “Số tiền thanh toán tối thiểu” sẽ bị Ngân hàng phát hành thu phí chậm trả.
>> 5 cách tra cứu hạn mức thẻ tín dụng nhanh chóng, chính xác nhất
4. Có thể mở thẻ tín dụng mà không cần chứng minh thu nhập không?
Chứng minh thu nhập là điều kiện cơ bản nhất để làm thẻ tín dụng, tuy nhiên cũng có một số ngân hàng cho phép mở thẻ tín dụng mà không cần chứng minh thu nhập thông qua tài sản đảm bảo và các giấy tờ thay thế khác như ngân hàng Techcombank (HM:TCB), TPBank...
5. Mở thẻ tín dụng nhưng không dùng có sao không?
Mở thẻ tín dụng nhưng không dùng không sao cả. Tuy nhiên, nếu không dùng thẻ tín dụng nữa, khách hàng nên liên hệ ngân hàng đóng thẻ để tránh việc phải đóng phí thường niên hàng năm.
6. Thẻ tín dụng có mật khẩu không?
Thẻ tín dụng có mật khẩu (mã PIN), sẽ được yêu cầu cung cấp khi chủ thẻ thực hiện các giao dịch như rút tiền mặt, thanh toán hóa đơn… Trong một số trường hợp khi quẹt thẻ trực tiếp tại các máy POS thì khách hàng không cần nhập mật khẩu/mã PIN mà sẽ thanh toán thẳng hoặc sử dụng mã CVV.
7. Nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không?
Việc nợ xấu có mở được thẻ tín dụng hay không sẽ theo chính sách của từng Tổ chức tín dụng theo theo từng thời kỳ. Tuy nhiên thông thường thì khách hàng đang có nợ xấu sẽ không được cấp thẻ tín dụng. Còn khách hàng đã có lịch sử nợ xấu thì tùy thuộc vào chính sách của từng tổ chức.
8. Làm thẻ tín dụng có mất phí không?
Đa số các ngân hàng hiện nay đều có chính sách miễn/hoàn phí phát hành thẻ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, khách hàng có thể vẫn phải chi trả các loại phí như: Phí thường niên, rút tiền mặt, phí giao dịch quốc tế, phí sử dụng vượt hạn mức… nếu sử dụng dịch vụ.
9. Thẻ tín dụng được rút tối đa bao nhiêu tiền?
Thông thường thẻ tín dụng được rút tối đa trong khoảng từ 50% đến 80% của hạn mức tín dụng được cấp.
10. Để có thể sử dụng thẻ tín dụng, có bắt buộc phải đổi PIN lần đầu tại ATM không?
Không. Bạn có thể sử dụng thẻ ngay mà không cần phải đổi PIN lần đầu.
>> 5 mẹo để biết mình không vô tình bị vấp bẫy thẻ tín dụng 'kiểu Eximbank'