Vietstock - Đường hư, phí cứ thu!
Các tuyến đường BOT qua hàng chục tỉnh, thành liên tục hư hỏng qua nhiều năm nhưng nhà đầu tư chỉ sửa chữa chắp vá và vẫn thu phí hằng ngày
Sau bài viết phản ánh Quốc lộ (QL) 1 qua tỉnh Bình Định - Phú Yên và Quảng Nam rách bươm, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận các con đường BOT dù hư hỏng thường xuyên nhưng nhà đầu tư vẫn chăm chăm thu phí.
Đường BOT vừa đi vừa sửa
Sau tuyến QL qua tỉnh Bình Định - Phú Yên, Quảng Nam thì tuyến QL1A tránh lũ nối liền 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình cũng là nỗi ám ảnh của cánh tài xế đường dài. Đoạn đường này dài 33 km được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng. Tháng 6-2015, tuyến đường chính thức thông xe sau gần 2 năm thi công.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng Ảnh: ĐÌNH BÍCH
|
Công trình giao thông ngàn tỉ này đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì dọc tuyến đường này liên tục xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Nhiều điểm trên đường bị sụt lún, hằn sâu vết bánh xe tạo nên những "sống trâu" gồ ghề. Để khắc phục, sửa chữa nền đường xuống cấp Công ty Trường Thịnh đã nhiều lần cho cào lớp nhựa mặt rồi trải lớp nhựa mới. Sau một thời gian mặt đường tiếp tục hư hỏng, luôn chực chờ gây tai nạn cho các xe lưu thông. "Đường xấu quá, từ Nam ra Bắc tỉnh nào tôi cũng đi qua nên chứng kiến nhiều đường bị lún, trong đó có tuyến đường tránh lũ này. Vừa chạy vừa căng mắt nhìn mặt đường chứ lơ mơ là xảy ra tai nạn khó lường" - anh Trần Văn Toàn, một tài xế xe tải Nam - Bắc, nói.
Đường tránh qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đầy ổ gà Ảnh: MINH SƠN
|
Con đường "đình đám" nhất trong thời gian qua là BOT Cai Lậy cũng chung số phận. Trên tuyến đường tránh qua thị xã Cai Lậy có gần 100 ổ gà lớn nhỏ chỉ trên chiều dài khoảng 12 km. Người dân ven đường sợ xảy ra tai nạn nên dùng giấy phản quang dán gần những ổ gà để cánh tài xế phát hiện, giảm tốc độ. Theo CSGT thị xã Cai Lậy, từ khi tuyến tránh đưa vào sử dụng, số vụ tai nạn tại đây tăng về số vụ và số người tử vong. Mặt đường nhỏ và quá nhiều "ổ gà" nên dễ xảy ra va chạm.
Vá đường BOT qua tuyến tránh TP Vinh, Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC
|
Còn tại tuyến đường tránh QL1 đoạn qua TP Vinh (tỉnh Nghệ An) dài khoảng 24 km và đường Nam Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đầy vết hằn lún, bong tróc. Chủ đầu tư cả 2 tuyến đường này - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) - thường xuyên cho sửa chữa.
Lo ngại cho đường cao tốc 34.000 tỉ đồng
Tuyến đường có mức đầu tư kỷ lục 34.500 tỉ đồng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng không khá hơn. Vừa thông xe mới hơn 1 tháng qua nhưng nay cũng xuất hiện nhiều điểm ổ gà, rạn nứt mặt đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Km 47, mặt đường bị bong tróc cả đoạn dài. Các điểm hư hỏng rộng hơn 20 cm, dài từ 20 đến 60 cm. Tại các vị trí như Km 45, Km 27, Km 28, Km 29 cũng xuất hiện nhiều chuỗi "ổ voi, ổ gà" kéo dài chừng 10 m. Lưu thông trên tuyến đường này, nhiều tài xế lo lắng về sự an toàn và đặt nghi vấn về chất lượng công trình. "Với tốc độ cho phép 100 km/giờ, nếu tài xế không quan sát kỹ, lọt vào "ổ gà" lớn như vậy rất dễ gây tai nạn, nhất là vào ban đêm. Người ta thi công và kiểm soát chất lượng kiểu gì mà đường khai thác chưa lâu đã hư hỏng như vậy" - tài xế Nguyễn Đình Hùng (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ngao ngán.
Điều đáng nói là không chỉ đoạn 65 km từ TP Đà Nẵng đi Tam Kỳ bị hư hỏng, đoạn cao tốc từ TP Tam Kỳ đi tỉnh Quảng Ngãi vừa mới khánh thành vào ngày 2-9 vừa qua cũng xuất hiện nhiều vết lở tại các gói thầu như A1, A2... Cũng tại đường cao tốc này, chỉ qua một trận mưa lớn đầu tháng 10 vừa rồi, nhiều đoạn taluy đã bị sạt lở, nhiều hạng mục biểu hiện xuống cấp, khó sửa chữa. Đặc biệt, thành cầu chui tại Km 76 đi qua huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có một đường nứt rộng làm nghiêng mảng bê-tông rất nguy hiểm. Một số cống thoát nước, cống chui do thi công thiếu đồng bộ và chưa bảo đảm kỹ thuật khiến cho nước mưa tràn vào, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công vào tháng 5-2013, đi qua TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi, dài hơn 139 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1,64 tỉ USD, phần lớn trong số này là vốn vay. Đây là đường cao tốc có thu phí và mức phí cao nhất được áp dụng từ đầu đến cuối tuyến là gần 800.000 đồng.
Lý giải như đùa
Ngày 9-10, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết đơn vị này đang triển khai lực lượng gấp rút khắc phục các điểm xuất hiện "ổ gà" trên tuyến này. Theo ông Thành, nguyên nhân xuất hiện nhiều "ổ gà" trên cao tốc là do xe tải nặng lưu thông với lưu lượng lớn.
Ông Thành lý giải tình trạng "ổ gà" không trải dài, chỉ bị cục bộ. Tuyến 65 km từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ bình thường chỉ có lưu lượng hơn 2.000 xe lưu thông, nay lên gần 6.000 xe mà chủ yếu là xe tải. "Đối với xe tải nặng, chúng tôi chưa kiểm soát tải trọng. Một số vị trí xuất hiện ổ gà có thể do thoát nước chưa được tốt, do cao độ, trũng nước rồi bánh xe nặng đè lên nhiều sẽ bong luôn lớp bê-tông nhựa. Không phải do chất lượng lớp bê-tông nhựa mà vấn đề ở thoát nước. Nếu chất lượng bê-tông nhựa thì đã bị cả vệt dài" - ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, đoạn cao tốc từ TP Tam Kỳ đi tỉnh Quảng Ngãi mới đưa vào khai thác từ ngày 2-9 có ít "ổ gà" hơn, mỗi gói thầu chỉ có 2-3 điểm. Riêng đoạn 65 km đưa vào khai thác tháng 8-2017 thì mỗi gói thầu lên đến khoảng 10 điểm, đặc biệt gói thầu số 6 tại km 45 và gói 4 tại km 27 "ổ gà" nhiều hơn. Ông Thành cho biết thêm những chỗ bị xói lở taluy cũng đã được khắc phục xong.
Nói về những hư hỏng trên tuyến tránh QL1A tránh lũ nối liền 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, cho rằng Tổng cục Đường bộ quản lý nên đơn vị này phải thường xuyên kiểm tra, sở chỉ giám sát và theo dõi. Nếu đường bị hư hỏng vượt quá 2,5 km thì sở yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh đi kiểm tra và đôn đốc nhà đầu tư sửa chữa. Nhiều tài xế cho rằng thật bất công khi họ phải trả đủ tiền nhà đầu tư yêu cầu nhưng phải sử dụng đường kém chất lượng, đầy nguy hiểm.
Xử lý điểm đen tai nạn ở Ninh Thuận Làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận vào ngày 9-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết QL 27 đoạn qua tỉnh Ninh Thuận đã được nâng cấp từ nhiều năm qua, nay có một số đoạn xuống cấp, bộ sẽ cân đối kinh phí để bảo trì trong năm 2019. Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận đối với một số điểm đen tai nạn giao thông trên QL1, QL 27, tỉnh lộ, ông Thể cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với tỉnh ưu tiên xử lý. Đối với đường ngang dân sinh đi qua ga Hòa Trinh thuộc huyện Thuận Nam thường xảy ra TNGT, ông Thể đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất các phương án xử lý tối ưu để trình bộ xem xét. L.Trường |
Nhóm phóng viên